Tổng kết Nghị quyết 09 về doanh nghiệp: Tìm cách phát huy vai trò doanh nhân

Cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng doanh nhân đang có những đóng góp quan trọng, là trung tâm trong tham gia phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Tổng kết Nghị quyết 09 về doanh nghiệp: Tìm cách phát huy vai trò doanh nhân

Chiều ngày 15/9, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau khi Nghị quyết 09 được ban hành, số doanh nghiệp hoạt động của cả nước tăng 3 lần từ con số 279.360 doanh nghiệp vào năm 2010, lên 857.559 doanh nghiệp tính đến 31/12/2021. Khu vực doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 14,7 triệu lao động (bình quân giai đoạn tăng 3,39%/năm); tương tự, vốn và doanh thu thuần cũng tăng lên, lần lượt tăng 14,55%/năm và 11,47%/năm trong giai đoạn này. 

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công báo cáo tại buổi làm việc
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công báo cáo tại buổi làm việc

Nếu tính cả khoảng 14.400 hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế), thì Việt Nam đã có hơn 7 triệu doanh nhân, trong đó có 7 doanh nhân là tỉ phú USD toàn cầu.

Ông Phạm Tấn Công, nhìn nhận, Nghị quyết 09-NQ/TW đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn.

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước lũy kế đến hết năm 2021 là 1.7 triệu doanh nghiệp. Trong đó, chỉ trong 11 năm (từ năm 2011- 2021) đã có 1,15 triệu doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001-2011, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2021 có hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập.

Cùng với số lượng, chất lượng doanh nhân cũng ngày cày được cải thiện khi trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học…

Năng lực hội nhập quốc tế của doanh nhân được cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu chủ động hơn trong việc hội nhập, nhất là việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu ngành có quy mô và nguồn lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực như năng lượng.

Góp ý vào việc phát triển chất lượng đội ngũ doanh nhân, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) đã nêu 5 đề xuất đến Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW. Theo đó, bà Thủy cho rằng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, Trung ương cần quốc tế hóa chuẩn mực doanh nhân Việt, để các doanh nhân xứng tầm với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong đó cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Thứ ba là có các biện pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nhân tham gia các mạng lưới, diễn đàn quốc tế để tăng cường hội nhập sâu rộng hơn. Thứ tư là có các ấn phẩm giới thiệu về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những thành tích trong các lĩnh vực để tuyên truyền rộng rãi đội ngũ doanh nhân ra thế giới. Cuối cùng là khuyến khích các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân xây dựng các tiêu chí, tôn chí tôn vinh doanh nhân tiêu biểu trong lĩnh vực, ngành nghề của mình.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết cho biết thêm doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Điều này thể hiện tính đúng đắn của Nghị quyết số 09-NQ/TW và các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết có nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân…

Đại hội XIII đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong nghị quyết đang xây dựng, giai đoạn tới đây sẽ có nhiều giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tri thức, năng lực và đạo đức kinh doanh, xây dựng thế hệ doanh nhân đủ tâm, đủ tầm đưa nền kinh tế đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.

Ông Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, trong thời gian tới Ban Kinh tế T.Ư tiếp tục tham mưu cho Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp hóa, mục tiêu là xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, trong đó sẽ có cơ chế để doanh nghiệp trong nước được tham gia triển khai các công trình, phần việc cụ thể.

Có thể bạn quan tâm