Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam.
Trong bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVN đã vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 23.524 tỷ đồng so với đầu năm. Qua so sánh, tính tới cuối năm ngoái, quy mô tài sản của PVN chỉ xếp sau Big 4 ngân hàng là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank song vượt loạt ngân hàng khác như MB, Techcombank, VPBank,....
Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản (hơn 34%) của PVN nằm ở khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 347.593 tỷ đồng, tăng gần 42.000 tỷ so với đầu 2023. Ngoài ra, PVN còn có khoản đầu tư 6.241 tỷ đồng vào trái phiếu. Với lượng tiền nắm giữ lớn giúp tập đoàn thu về 13.971 tỷ đồng lãi tiền gửi năm 2023.
Tại ngày 31/12/2023, khoản phải thu ngắn và dài hạn của PVN ghi nhận 250.311 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn có 111.332 tỷ đồng phải thu về cho vay và chủ yếu là phải thu về cho vay tại PVcomBank.
Ngoài ra tập đoàn còn có khoản phải thu dài hạn cho Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn vay bằng USD với khoản gốc vay tại ngày 31/12/2023 là 461,2 triệu USD (11.105 tỷ). Lãi suất khoản vay được tính bằng lãi suất LIBOR 1 tháng tại từng thời điểm cộng với 6%/năm. Khoản vay này không có tài sản đảm bảo. Tập đoàn phải trích lập dự phòng phải thu ngắn và dài hạn là 13.693 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, tập đoàn ghi nhận 31.828 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, nằm chủ yếu ở một số dự án lớn như Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1, Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4,...
Báo cáo tài chính của PVN cũng cho thấy khoản chi phí tìm kiếm, thăm dò dầu khí cuối 2023 là 23.811 tỷ và 9.447 tỷ đồng chi phí phát triển mỏ.
Tổng nợ phải trả của tập đoàn tại ngày 31/12/2023 là 479.012 tỷ đồng. Tổng nợ vay của PVN là 262.467 tỷ đồng, thay đổi không nhiều sau một năm và có 81.132 tỷ vay dài hạn. Trong đó, PVN ghi nhận 35.340 tỷ đồng vay dài hạn bằng USD (lãi suất 0 - 9,5%), còn lại là vay dài hạn bằng VND (lãi suất 2,4 - 15%).
Năm vừa qua, tập đoàn vay thêm tổng cộng 61.884 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 46.494 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay năm 2023 là 4.151 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 khoản tiền lãi ngân hàng thu được của PVN.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của PVN là 531.928 tỷ đồng bao gồm 142.177 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 41.230 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2023, PVN ghi nhận gần 517.000 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 8% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu đến từ hoạt động thương mại và phân phối, chiếm 41% doanh thu chưa loại trừ nội bộ và hoạt động chế biến dầu khí, chiếm gần 26%.
Lợi nhuận sau thuế đạt 40.278 tỷ đồng và giảm 29% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm gần 26% còn 36.401 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của PVN giảm từ 16,62% xuống 11,46%.
Năm 2023, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, PVN cho biết tập đoàn còn phải chịu tác động bất lợi bởi nhiều yếu tố gắn với đặc thù hoạt động của tập đoàn. Đó là tình hình địa chính trị tại các trung tâm năng lượng thế giới và Biển Đông diễn biến phức tạp.
Tốc độ dịch chuyển năng lượng nhanh, biến động lớn về cung - cầu và giá các sản phẩm năng lượng suy giảm mạnh so với năm 2022, trong đó giá dầu thô giảm 17%- 38%, giá phân bón giảm 25% - 30%; biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 24% - 26% so với năm 2022.
Cùng với đó, huy động khí tự nhiên, điện thấp hơn so với năng lực sản xuất của PVN tạo ra nhiều áp lực, khó khăn đối với các nhà máy xử lý khí cũng như nhà máy điện của tập đoàn.