Liên quan tới thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm quản lý và sử dụng đất, từ năm 2013 đến năm 2020, toàn ngành đã tiến hành khoảng 56.600 cuộc thanh tra hành chính và hơn 1,8 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Trong đó, có 6.687 cuộc thanh tra về lĩnh vực đất đai. Qua đó đã phát hiện tổng vi phạm về kinh tế gần 80.900 tỷ đồng và 94.850ha đất; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước khoảng 38.900 tỷ đồng và gần 14.700ha đất.
Qua quá trình thanh tra, cơ quan Thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Kết quả thanh tra đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; chỉ ra được nhiều những tồn tại, bất cập, vi phạm của đối tượng thanh tra.
Đồng thời đưa ra các kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, xử lý thu hồi tiền và tài sản sai phạm về ngân sách nhà nước; góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế.
Một số cuộc thanh tra về đất đai được Thanh tra Chính phủ thực hiện trong thời gian qua như: Các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà và dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (TP. Đà Nẵng); Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch.
Chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên; chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam và một số đơn vị thành viên…
Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.
Một số cuộc thanh tra đáng chú ý khác như: Kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý quy hoạch, giao đất, thực hiện đầu tư các dự án thuộc khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TP. HCM; Thanh tra một số nội dung đối với Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá, sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, số lượng giao dịch chính thức đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt tại những địa phương có nền kinh tế phát triển, có giá đất cao.
Tổng hợp của các địa phương, hiện nay, chủ yếu là các giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất (26,28%), thế chấp quyền sử dụng đất (56,58%), giao dịch cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng thấp (lần lượt là 0,09% và 0,20%) và chủ yếu tập trung vào thị trường chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất phi nông nghiệp (lần lượt là 13,7% và 26,24%)
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến nay, cả nước có khoảng gần 3.18 triệu giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khoảng 65.450 giao dịch chuyển đổi đất nông nghiệp với khoảng 45.100ha; khoảng 11.100 giao dịch góp vốn bằng quyền sử dụng đất với khoảng 4.350ha…
Một thống kê khác, bình quân dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản trong 05 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tỷ trọng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản giảm dần trong 05 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quý I/2020.
Qua số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài trong 5 năm trở lại đây cho thấy, kinh doanh bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực thu hút được nhiều quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài (đứng thứ 2 trên tổng số 17 lĩnh vực về thu hút đầu tư nước ngoài, sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo), đạt khoảng 17,63 tỷ USD.