Văn phòng UBND TP. HCM sẽ sớm hoàn thành việc xây dựng quy trình liên thông với các sở, ngành trong giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức để trình UBND TP. HCM ban hành trong tháng 6/2019.
Đối với những kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) và doanh nghiệp tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn TP. HCM, UBND TP. HCM yêu cầu các sở-ngành chức năng sớm giải quyết, những kiến nghị còn vướng mắc thì báo cáo UBND TP giải quyết dứt điểm trong tháng 5/2019.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) cần duy trì cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền TP. HCM, nhằm kịp thời tuyên truyền chính sách và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Sở Giao thông vận tải được giao tham mưu phương án khai thác, sử dụng các khu đất dọc hai bên tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên.
Mới đây, tại cuộc họp giữa Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong và các sở, ngành TP. HCM với hơn 200 doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố, hàng loạt các khó khăn về thủ tục, pháp luật quy định đến đầu tư - kinh doanh dự án nhà ở được phản ánh.
Chủ tịch UBND TP. HCM chỉ đạo ngay tại cuộc họp, yêu cầu các sở ngành liên quan giải quyết ngay cho doanh nghiệp một số những vướng mắc có thể giải quyết ngay.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP. HCM sẽ giải quyết ngay. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, UBND TP. HCM sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hướng giải quyết.
Cụ thể, về khó khăn để được công nhận chủ đầu tư dự án doanh nghiệp phải có 100% đất ở hợp pháp, TP. HCM sẽ phân ra các loại, nếu dự án đã có 100% đất ở do doanh nghiệp đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, Sở Xây dựng sẽ giải quyết hồ sơ xem xét công nhận chủ đầu tư. Các dự án chưa phải là 100% đất ở, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thụ lý xem xét, nếu dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước sẽ thực hiện theo quy định đầu tư công.
Về các điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư đã được UBND cấp có thẩm quyền cho phép thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trước ngày 1/7/2014, nhưng chủ đầu tư chưa thỏa thuận hết toàn bộ diện tích đất của người sử dụng đất trong phạm vi dự án, UBND cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất, trình HĐND cùng cấp thông qua, trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư.
Ngày 10/4, Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. HCM đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn.
Tại đây, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), cho rằng, qua 3 tháng đầu 2019 này, các doanh nghiệp bất động sản rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thị trường về lâu dài.
Trong quý 1/2019, Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án) giảm 16% so với cùng kỳ năm trước; Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm từ 30-50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới.
Bên cạnh đó, thị trường bị ách tắc do một số dự án nhà ở đang thực hiện trên địa bàn liên quan đến đất công, hiện TP. HCM, có khoảng 300 mặt bằng đất công trên địa bàn thành phố thuộc diện bị thu hồi Quyết định hoặc Văn bản về sử dụng đất.
>>124 dự án bị rà soát tại TP. HCM được hoạt động trở lại