Hội đồng thẩm định giá đất TP. HCM cho biết, đã có thông báo số 139, thống nhất chủ trương báo cáo UBND TP. HCM dự thảo công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TP. HCM xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn để trình HĐND TP. HCM thông qua.
Trên cơ sở đó UBND thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo Bảng giá đất trên 30 tỷ đồng hay dưới 30 tỷ đồng), thay vì phải thực hiện thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá".
Nếu được Chính phủ cho phép thực hiện thì đây là sự thay đổi phương thức định giá đất có tính đột phá khi, được phép áp dụng phương pháp điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể, sẽ kéo giảm thời gian làm thủ tục hành chính để xác định giá đất, thẩm định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án theo các phương pháp định giá đất hiện nay từ trên dưới 3 năm (thậm chí lâu hơn) xuống chỉ còn khoảng 10-15 ngày làm việc.
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, việc áp dụng "phương pháp điều chỉnh giá đất" để xác định "giá đất cụ thể" vừa tăng cường thêm trách nhiệm và tính chủ động của HĐND, UBND cấp tỉnh; vừa có căn cứ định lượng giúp đơn giản hoá, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, giúp cho môi trường đầu tư tăng thêm tính minh bạch, thông thoáng; vừa loại trừ được cơ chế "xin - cho", nhũng nhiễu, tiêu cực; vừa bảo vệ, tránh cho cán bộ công chức có thể "bị vướng rủi ro trong thi hành công vụ" khi thực hiện công tác định giá đất, thẩm định giá đất dự án; nhà đầu tư thì có thể dự đoán được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tính tổng mức đầu tư, có thể đánh giá được tính khả thi/không khả thi của dự án đầu tư để quyết định đầu tư hoặc chưa/không đầu tư.
Hiện nay, Chính phủ quy định 5 phương pháp định giá đất, gồm phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
Hiệp hội cũng cho biết hiện có một số "bất cập, vướng mắc" trong thu thập thông tin thị trường để định giá đất: Điểm c và điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định "Thông tin về giá đất của thửa đất so sánh được thu thập từ các nguồn sau đây: Giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất; Giá đất thị trường trong cơ sở dữ liệu về đất đai; Giá đất giao dịch thành công trên sàn giao dịch bất động sản; Giá đất đã giao dịch thành công trên thị trường do người chuyển nhượng hoặc người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cung cấp thông qua phỏng vấn trực tiếp. Giao dịch thành công là giao dịch mà bên nhận chuyển nhượng đã thanh toán cho bên chuyển nhượng theo thỏa thuận và đã nhận quyền sử dụng đất;
Cùng với đó, khi khảo sát, thu thập thông tin về giá đất ưu tiên lựa chọn các thông tin về giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất giao dịch thành công trên sàn giao dịch bất động sản, giá đất thị trường trong cơ sở dữ liệu về đất đai, các thông tin phát sinh gần nhất với thời điểm định giá đất và tại khu vực định giá đất.
"Nhưng trên thực tế, lại gần như không thể có các nguồn thông tin xác thực nên không thể thực hiện được các quy định trên đây, vì có nhiều "thông tin giả", do thị trường bất động sản nước ta chưa thật sự minh bạch", HoREA khẳng định.