Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong năm 2022, tổng mức thu phí hạ tầng cảng biển thực tế là 1.862 tỷ đồng, chỉ đạt hơn một nửa so với dự thu là 3.036 tỷ đồng. Nguyên nhân do quá trình thu phí chỉ trong 9 tháng. Còn nếu tính từ 1/4/2022 đến 6/6/2023 đã có 64.542 doanh nghiệp đăng ký khai báo nộp phí và chấp hành nghĩa vụ nộp phí hạ tầng cảng biển, với tổng số tiền hơn 2.863 tỉ đồng.
Nguyên nhân do từ ngày 1/8/2022, mức thu phí đối với hàng hóa mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu ngoài TP.HCM được điều chỉnh bằng mức thu phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, đồng thời thực hiện miễn giảm phí đối với hàng hóa vận chuyển qua Campuchia.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, từ ngày 1/4/2022 đến ngày 31/3/2023, tổng số tiền đã thu phí hạ tầng cảng biển là hơn 2.300 tỷ đồng, bình quân 6,38 tỷ đồng/ngày. Còn từ ngày 1/4 đến ngày 30/6, số tiền đã thu là hơn 500 tỷ đồng, bình quân 5,51 tỷ đồng/ngày. Từ thứ 2 đến thứ 6 thu bình quân khoảng 6-9 tỷ đồng/ngày; thứ Bảy thu bình quân khoảng 2-3 tỷ đồng/ngày; Chủ Nhật thu bình quân khoảng 200-500 triệu đồng/ngày.
Trong khi đó, quá trình thu phí đã phát sinh các khoản chi phí tăng trong năm 2023 như chi phí về hạ tầng công nghệ thông tin, chi phí tăng cường an ninh thông tin, bổ sung các tính năng nâng cao năng lực xử lý hệ thống… và tăng chi phí cho các doanh nghiệp phục vụ công tác thu phí, tăng mức lương cơ sở.
Căn cứ Nghị quyết số 10/2020/NĐ-HĐND, đơn vị thu phí hạ tầng cảng biển được trích lại tối đa không quá 1,5%. Do đó, dự toán được trích để lại cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM là hơn 27 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,46% trên tổng số phí thu năm 2022.
Theo Sở Giao thông vận tải TP. HCM, số tiền này quá thấp để đảm bảo chi phí hoạt động thu phí. Do đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM sửa đổi, bổ sung quy định, nâng tỷ lệ trích lại từ năm 2023 lên 2,3% trên tổng phí thu được.