TP.HCM kiểm soát và siết chặt xây dựng cao ốc trong khu trung tâm

TP.HCM đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Việc các cao ốc ăn theo hạ tầng giao thông khiến bài toán gỡ ách tắc thêm nan giải.
TP.HCM kiểm soát và siết chặt xây dựng cao ốc trong khu trung tâm

Thời gian qua, ở TP.HCM nở rộ các dự án ăn theo hạ tầng. Dọc các tuyến đường metro, tuyến cao tốc, xa lộ Hà Nội, những tuyến đường dự phóng, các tuyến đường sẽ mở rộng lộ giới..., các dự án cao tầng đua nhau mọc lên như nấm.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM hiện nay Sở này đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tiến hành rà soát những khu vực ùn tắc để nghiên cứu đề ra chỉ tiêu quy hoạch, hệ số sử dụng đất, tầng cao thích hợp. Trong giai đoạn này, nếu hạ tầng chưa được thực hiện theo quy hoạch thì cần phải giảm các chỉ tiêu.

Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trong giai đoạn rà soát này, tất cả dự án xây dựng cao ốc trước khi được Sở Xây dựng cấp phép thì đều phải qua Sở QH-KT và Sở GTVT để đánh giá tác động về giao thông. Việc cấp phép xây dựng sẽ có một tổ chuyên gia do Sở Xây dựng chủ trì (gồm đại diện các sở, ngành có liên quan như QH-KT, TN&MT, GTVT, Tài chính…) để xem xét từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp đặc biệt thì phải xin ý kiến Sở GTVT bằng văn bản về tác động giao thông.

Chẳng hạn, một tuyến đường quy hoạch là 20 m, tầng cao là 30 tầng nhưng đường hiện hữu mới chỉ có 10 m và Nhà nước chưa xây dựng đường theo quy hoạch thì chỉ số tầng cao có thể sẽ giảm xuống còn 15 tầng. Khi nào giao thông được thực hiện đúng theo quy hoạch thì mới cho làm đúng tầng cao như quy hoạch. Vì hiện nay điều dễ thấy nhất chính là hạ tầng giao thông và nhà ở không đồng bộ đã gây ra ùn tắc nghiêm trọng.

Chẳng hạn, do tuyến đường Phổ Quang, quận Tân Bình mặc dù chỉ có một đoạn ngắn chưa đầy 2 km nhưng phải oằn mình gánh năm dự án khu nhà chung cư. Tuyến đường này rất hẹp lại có mật độ phương tiện lưu thông cao, vì vậy không thể không lo lắng khi hàng ngàn căn hộ đi vào hoạt động sẽ kéo theo một khối lượng lớn cư dân cùng phương tiện dồn về tuyến đường này, lúc đó tình trạng ùn tắc sẽ trở nên đáng ngại hơn rất nhiều.

Cũng tương tự, đoạn đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) dù rất nhỏ nhưng chung cư mọc lên dày đặc để đón đầu con đường này được quy hoạch mở rộng...

Trước đó, tại buổi làm việc với TP HCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP HCM có gần 40 điểm thường xuyên bị ùn tắc, việc kẹt xe ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Cùng với đó lãng phí rất ghê gớm, ảnh hưởng cả đến môi trường đầu tư. Việc giải quyết thực sự rất cấp bách với thành phố đông nhất nước.

Thủ tướng đề nghị cách giải quyết cũng phải cụ thể để đạt hiệu quả sớm nhất. Theo đó, Thành phố cùng các bộ ngành trung ương tập trung bàn về các cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Các ý kiến đi thẳng vào bàn luận, đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục ngay tình hình.

Trước những vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở – ngành liên quan, UBND các quận – huyện từ nay đến cuối năm cần tập trung phân luồng giao thông, điều chỉnh hệ thống tín hiệu giao thông đường bộ, tăng cường sự phối hợp các lực lượng để xử lý các điểm giao thông tập trung đông người có nguy cơ UTGT.

Mặt khác, chủ tịch UBND thành phố kiên quyết không cấp phép xây dựng đối với các cao ốc, công trình tập trung đông người trên một số trục đường, một số khu vực chưa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Từ nay đến cuối năm 2017, các sở ngành trên địa bàn cùng phối hợp tiền hành rà soát, đánh giá tác động của nhiều dự án cao ốc lên hạ tầng giao thông, lập báo cáo chi tiết trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo Nguyên Minh/ Trí thức trẻ

>> Ông chủ Coteccons nói về phát triển công trình xanh ở Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…