TP.HCM: Tiếp tục kiến nghị làm rõ sai phạm dự án trên “đất vàng” của Vinafood II

Liên quan đến việc mua bán khu đất “vàng” gần 6.300m2 giữa trung tâm TP.HCM của Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Người dân khu tập thể 34 - 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến Ban Chỉ đạo Trung ương.
TP.HCM: Tiếp tục kiến nghị làm rõ sai phạm dự án trên “đất vàng” của Vinafood II

Hôm nay (28/11), người dân khu tập thể 34 - 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) cho biết, dù đầu năm 2019 trước phản ứng dữ dội của người dân khu tập thể và báo chí, ngoài ra tại văn bản số 89 ngày 05/01/2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc phối hợp các bộ ngành, xác minh, làm rõ các vấn đề và báo cáo trước ngày 01/03/2019, nhưng đến nay đã hơn 8 tháng, mọi thông tin về báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ vẫn “bặt vô âm tín” trong sự mỏi mòn chờ đợi của người dân.

Người dân khu tập thể 34 - 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM căng băng rôn phản đối việc mua bán "đất vàng" của Vinafood II
Người dân khu tập thể 34 - 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM căng băng rôn phản đối việc mua bán "đất vàng" của Vinafood II

Trước sự việc trên, người dân tại khu tập thể đã tiếp tục có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến Thường trực Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, để nêu rõ một số sai phạm và dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước của chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn).

Được biết, khu tập thể 34 - 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM tiền thân là khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II). Sau đó, được phê duyệt chủ trương giải tỏa để làm dự án tổ hợp cao ốc văn phòng, khách sạn cho thuê. Vinafood II và Công ty Việt Hân thành lập liên doanh Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án từ năm 2009.

Trong đó, Vinafood II góp 20% vốn bằng một phần quyền sử dụng đất, còn Công ty Việt Hân 80% vốn bằng tiền mặt. Các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã nhanh chóng được triển khai. Tuy nhiên, gần 10 năm qua dự án này vẫn “án binh bất động” do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Đến giữa năm 2018, các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bắt đầu tái khởi động nhưng không đạt được thỏa thuận. Theo người dân, chủ đầu tư đưa ra giá đền bù chỉ 125 triệu đồng/m2 là quá thấp vì giá thị trường ở khu vực này lên tới hơn 300 triệu đồng.

Không những vậy, người dân còn tố cáo dự án có dấu hiệu cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để “hô biến” khu đất “vàng” này từ tài sản nhà nước sang tay tư nhân.

Có thể bạn quan tâm