Theo đó, TP.HCM xác định được vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của thành phố. Đến năm 2025 diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 50 - 60ha và đến năm 2030 khoảng 60 – 80ha.
Tổng đàn heo hữu cơ năm 2025 đạt 1.800 - 2.000 con và năm 2030 đạt 2000 – 2500 con. Diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 10 - 15ha năm 2025 và 15 – 20ha năm 2030. Hình thành 2 - 3 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để triển khai thực hiện, TP.HCM tập trung vào các giải pháp như đào tạo, tập huấn, tuyên truyền; đánh giá điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của thành phố. Giải pháp về khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trong đó, nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng có năng suất, chất lượng, đặc biệt kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các giống con chủ lực của thành phố tích hợp nhiều đặc tính ưu việt (có năng suất, chất lượng tốt, sức chống chịu và kháng bệnh cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường). Phát triển công nghệ tạo chế phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản hữu cơ.
Xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ như xây dựng mô hình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cụ thể đối với từng sản phẩm để tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất.
Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị và nhân rộng theo các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; xúc tiến thương mại; tăng cường công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ.