Kể từ khi được thành lập, TP.HCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách mang tính đặc thù để tạo ra bước phát triển đột phá cho TP.Thủ Đức. Trong đó, UBND TP.HCM đã có Quyết định 318 về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020-2035” năm 2020 - 2025.
Thu hút 100.000 dân cư đến sinh sống, làm việc vào năm 2035
Theo kế hoạch này, TP.HCM sẽ xây dựng và phát triển khu vực phía Đông thành phố (TP.Thủ Đức) thành đô thị sáng tạo, tương tác cao và là khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố và vùng thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.
Kế hoạch này đã đặt ra những chỉ tiêu cơ bản cho khu đô thị phía Đông. Cụ thể, đến 2025 sẽ lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế - tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 nhà (Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà giáo dục). Đồng thời, phê duyệt và công khai quy hoạch chung TP.Thủ Đức và quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo.
Dự kiến Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao này sẽ thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia. Hình thành quỹ đất phát triển khoảng 100 ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu Công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Đại học Quốc gia TP.
Đạt mức 25% dân số sử dụng phương tiện công cộng; tăng 60% số km đường phục vụ giao thông công cộng sau năm năm; Hoàn thành khép kín Vành đai 2 và triển khai xây dựng quốc lộ 13, Vành đai 3. Hình thành dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 với Bình Dương, triển khai xây dựng cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch. Cùng với đó là xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho TP.Thủ Đức.
Một chỉ tiêu khác được thành phố đề ra đến năm 2025 là đảm bảo thực hiện an toàn, an sinh xã hội, giảm thiểu thiệt hại cho người lao động và các thành phần hoạt động kinh tế phi chính thức (thay đổi chỗ ở, mất hoặc thay đối việc làm...) do tác động của các dự án phát triển đô thị và chuyển đổi công nghệ.
Đến năm 2035, TP.Thủ Đức sẽ đóng góp 1/3 GRDP của TP.HCM và 7% GDP cả nước; Thu hút 100.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 80.000 kỹ sư và chuyên gia; và nhiều chỉ tiêu khác về giao thông công cộng, công viên vui chơi, hệ thống kiểm soát ngập, đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%…
6 khu vực trọng điểm của TP.Thủ Đức
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ phát triển trung tâm công nghệ tài chính quốc tế gắn với chương trình chuyển đổi số của thành phố. Bao gồm các ngành nghề như chứng khoán, phân tích dữ liệu, quản lý tài sản, hệ thống dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, đầu tư, bảo mật, vườn ươm khởi nghiệp.
- Khu liên hợp thể dục thế thao Rạch Chiếc sẽ phát triển trung tâm thể thao và chăm sóc sức khỏe. Bao gồm các dịch vụ liên quan đến tập luyện và thi đấu, doanh nghiệp - CLB thể thao, nghiên cứu vật liệu, phụ kiện công nghệ, trang phục thể thao thế hệ mới, thể thao điện tử, dược phẩm, thực phẩm và dinh dưỡng, y học cỏ truyền, chăm sóc sức khỏe thể chất.
- Khu công nghệ cao phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuât mẫu thử, sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao.
- Khu Đại học Quốc gia thành phố phát triển dịch vụ học tập và đào tạo, hợp tác quốc tế, không gian sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, vườn ươm khởi nghiệp. Thu hút các học viện quốc tế liên kết đào tạo, thành lập chi nhánh, thành lập trường tại khu đô thị sáng tạo phía Đông.
- Khu đô thị mới Tam Đa phát triển công nghệ nhà ở thích ứng môi trường, năng lượng tái tạo, nông trại cao tâng, đa dạng sinh học, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Khu đô thị Trường Thọ sẽ xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai (“living lab”) để sống, làm việc và nghỉ ngơi với sự thử nghiệm hạ tầng cơ sở lý tưởng, quản lý đô thị bằng công nghệ và dữ liệu chung, thích nghi biến đổi khí và vật liệu sinh thái.