Trắng đêm ở "chảo lửa" Hoài Đức, giá đất cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng/m2, gấp 18 lần giá khởi điểm

Trải qua 18 giờ làm việc, 19 lô đất tại Lòng Khúc, xã Tiền Yên đã được đấu giá thành công, mức giá cao nhất hơn 133,3 triệu đồng/m2...

Hoài Đức đấu giá 19 lô đất thành công
Hoài Đức đấu giá 19 lô đất thành công

9h sáng ngày 19/8, tại huyện Hoài Đức đã diễn ra phiên đấu giá 19 lô đất LK03 và LK04 tại Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Phiên đấu giá được kéo dài 18 giờ đồng hồ, đến 4h30 sáng ngày 20/8 mới kết thúc.

Trải qua 9 vòng đấu, giá trúng cao nhất là lô đất LK03-12 với 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm (7,3 triệu đồng/m2). Lô đất này là thửa ở góc, có 3 mặt tiền, rộng hơn 113 m2; tổng giá trị lên đến hơn 15 tỷ đồng.

Có 2 lô đất là LK03-06 và LK-4-06 cũng đạt mức giá rất cao, với 127,3 triệu đồng/m2 nằm ở vị trí góc, sở hữu hai mặt tiền.

Trong khi đó, 2 lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên này là 91,3 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.

Các lô đất còn lại có giá trúng dao động từ 97,3 - 121,3 triệu đồng/m2. Thậm chí, lô có giá trúng thấp nhất vẫn lên tới 91,3 triệu đồng/m2, gấp 12,5 lần so với giá khởi điểm.

Như Thương gia đã đưa tin trước đó, ngày 19/8, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 19 thửa đất thuộc lô LK03 và LK04 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Các thửa đất có diện tích từ 74 - 118m2 với mức giá khởi điểm từ 7,3 triệu đồng/m2.

19 thửa đất ở thuộc khu LK 03 và LK04 của huyện Hoài Đức đưa ra đấu giá là một khu vực nhỏ trong tổng số 71 thửa đất. Dự án này được huyện Hoài Đức dự kiến tổ chức đấu giá trong ba đợt.

Đến ngày 26/8, huyện Hoài Đức sẽ tiến hành đấu giá 20 lô đất còn lại ở khu Lòng Khúc, thuộc các lô LK01 và LK02 với mức giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2. Diện tích dao động từ 89-145m2, khoản tiền đặt trước sẽ từ 130 - 212 triệu đồng/thửa, hạn chót nộp hồ sơ tham gia đấu giá vào ngày 23/8.

Cả 2 lần đầu giá trên được thực hiện bằng cách bỏ phiếu trực tiếp qua tối thiểu 6 vòng; được tổ chức tại Hội trường Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện Hoài Đức.

Để ngăn chặn tình trạng thông thầu, trả giá thấp, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện và đơn vị tư vấn tổ chức đấu giá đã thống nhất quy chế: Khách hàng tham gia đấu giá phải trải qua tối thiểu 6 vòng đấu bắt buộc.

Mỗi bước giá của cuộc đấu là 6 triệu đồng, giá trúng chỉ được xét sau 6 vòng đấu. Như vậy, nếu trúng đấu giá thì mức giá thấp nhất cho các thửa đất này cũng ở mức 43,3 triệu đồng/m2.

Nhiều người không ngạc nhiên về sức nóng tại đấu giá đất ở huyện Hoài Đức, bởi trước đó, tại Thanh Oai cũng có phiên đấu giá “nóng” không kém. Cụ thể, phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 68 thửa đất mới diễn ra tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội với tổng diện tích 10.297,3m2.

Được biết, các thửa đất có diện tích 60 - 85m2/thửa đất với giá khởi điểm từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2. Kết quả giá trúng đấu giá cao nhất được xác định là 100,5 triệu đồng/m2, chênh với giá khởi điểm là 88 triệu đồng/m2; giá trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2, cao hơn mức giá khởi điểm là 43,1 triệu đồng/m2.

Về vấn đề này, tại hội thảo "Động lực mới, cơ hội mới, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan" do Tạp chí Thương Gia, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện tượng này chính là vấn đề của thị trường.

Thời gian qua do quá trình sửa luật, làm luật kéo dài dẫn đến thị trường bất động sản ít biến động. Ngay tại Hà Nội trong 3 - 4 năm nay gần như không có dự án mới chính thống tham gia thị trường. Các dự án về đất đai cũng gần như không có. Nhiều phiên đấu giá đất trong năm 2022 - 2023 không thành công.

Theo ông Đính nguồn cung bất động sản yếu nhưng lực cầu rất mạnh. Số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho đo lường cho thấy lực cầu trong dân rất lớn kể cả nhà ở và cầu về đầu tư. Họ mong chờ các dự án có đủ pháp lý như vụ đấu giá đất Thanh Oai vừa qua. Đó là lý do có vài nghìn người quan tâm đến vài chục lô đất, khoảng nghìn người mua hồ sơ tham gia đấu giá.

"Cung ít, cầu nhiều thì khi có hiện tượng cung ra thì người ta xông vào. Người ta đói đầu tư lắm rồi, đói hàng hóa lắm rồi. Hiện tượng này là bình thường tuy nhiên mức giá cao hơn so với mặt bằng thị trường", ông Đính nói.

Việc đẩy giá do người tham gia có sự tính toán tuy nhiên sẽ có sự điều chỉnh của cung cầu. Ông Đính cho biết vài ngày gần đây đã có người vội cắt lỗ. Vì vậy người tham gia thị trường cần có kiến thức và chuyên môn.

Xem thêm

Đất nền vào sóng?

Đất nền vào sóng?

Theo chuyên gia của Batdongsan.com.vn, phải đến quý 2/2025 trường đất nền mới thực sự phục hồi, những cơn sóng thời gian qua chỉ mang tính chất cục bộ ở một số khu vực…

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…