Treo giá ở mức cao, cổ phiếu ngành dầu khí có thực sự hấp dẫn ?

Giá dầu Brent sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những năm tới, đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023. Giá dầu cao sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi trong ngành này từ vận tải đến cho đến các dịch vụ dầu khí.

Công ty Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo cập nhật về triển vọng cổ phiếu ngành dầu khí.

Theo đó, VNDirect cho rằng, căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo dài khiến thị trường dầu thô toàn cầu thắt chặt đã đẩy giá dầu Brent chạm mức cao kỷ lục là 139,13 USD/thùng vào tháng 3. Sau đó, giá dầu Brent hạ nhiệt dần về cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao nhất trong 8 năm qua (trên 90 USD/thùng). 

Đối với năm 2023, nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách zero-Covid của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1% so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 101,0  triệu thùng/ngày cho cả năm 2023 (so với mức tăng 2,2% so với cùng kỳ trong năm 2022). 

Tuy nhiên, VNDirect cũng lưu ý, rất ít khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung. Bên cạnh đó những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung (đặc biệt là từ OPEC+). Giá dầu Brent sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những năm tới, đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023.

cổ phiếu ngành dầu khí

Giá dầu tiếp tục ở mức cao kéo theo nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi trong đó có vận tải dầu khí và các dịch vụ dầu khí. Theo đó, các dự án mỏ khí mở rộng như dầu Bạch Hổ, dự án khai thác mỏ dầu Kình Ngư Trắng (Lô 09-2/09) sẽ sớm được triển khai, cung cấp cơ hội việc làm cho các nhà cung cấp dịch vụ Dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà cung cấp dịch vụ khoan và nhà thầu EPC.

Trong lĩnh vực vận tải dầu khí, nhu cầu tiêu thụ sẽ ngày càng tăng. Giá thuê tàu đã phục hồi về mức trước Covid kể từ năm 2022, là tín hiệu tốt cho các đơn vị vận tải Dầu khí. Thị trường nội địa vẫn sẽ là bệ đỡ vững chắc cho các doanh nghiệp vận tải Dầu khí của Việt Nam với sự đóng góp ổn định vào kết quả kinh doanh của các công ty.

Theo đà tăng giá cước tàu chở dầu trên toàn cầu, PVT (Tổng công ty Vận tải Dầu khí) sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi chính tham gia nhiều vào thị trường quốc tế và nắm vị trí dẫn đầu tại thị trường nội địa.

Chính vì những lý do trên, VNDirect nhận định cổ phiếu ngành dầu khí vẫn có sự hấp dẫn nhất định trong bối cảnh thị trường nhiễm động như hiện nay, đặc biệt là GAS, PVS, PLX, PVT.

Cụ thể, giá mục tiêu cổ phiếu 1 năm của GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam) sẽ đạt mức 140.200 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận ròng sẽ đạt kỷ lục trong năm 2022 với mức tăng trưởng 63,0 % so với cùng kỳ. Đối với PVS (Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) giá cổ phiếu mục tiêu 1 năm là 31,700 đồng/cổ phiếu. Trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư tiềm năng vào ngành năng lượng, đặc biệt là các dự án phát triển mỏ khí lớn như Lô B và xu hướng đầu tư điện gió ngoài khơi.

PLX (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) và PVT (Tổng Công ty Vận tải Dầu khí) giá cổ phiếu mục tiêu 1 năm lần lượt là 45,600 đồng/cổ phiếu và 26,300 đồng/cổ phiếu. PLX sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, lợi nhuận ròng tăng trưởng kép 17,1% từ năm 2022-2024. PVT sẽ phục hồi tích cực trong ngắn hạn và trung hạn, tăng trưởng lợi nhuận ròng khoảng 13% trong năm 2022-2024.

Có thể bạn quan tâm