Gần 1 tuần qua, khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán. Đỉnh điểm, ngày 5/12, khối ngoại bán ròng đến 1.600 tỷ đồng, thiết lập một kỷ lục mới trong 11 tháng trở lại đây. Tính đến 9/12, khối ngoại đã bán ròng 4.000 tỷ đồng và là tuần thứ 5 liên tiếp khối ngoại “xả hàng”.
Sau một quãng bán ròng, một số dấu hiệu mua ròng bắt đầu xuất hiện từ cuối tuần trước khiến VN – Index ghi nhận sự “giằng co” khi giao dịch trên thị trường tương đối thận trọng…
"ĐIỀU DỄ HIỂU" CỦA THỊ TRƯỜNG
Đà bán ròng mạnh của khối ngoại trên thị trường chứng khoán đã diễn ra từ 5 tuần liên tiếp gần đây. Với tuần đầu tiên của tháng 12, khối ngoại đã bán gần 4.600 tỷ đồng, vượt giá trị bán ròng trong hai tháng 10 và 11 trước đó. Luỹ kế từ đầu năm 2023 đến hết phiên 8/12, giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE đạt 19.126 tỷ đồng. Điều đáng nói là, giá trị bán ròng này nếu tiếp tục sẽ làm biến mất “nỗ lực” mua ròng cả năm trước đó của khối ngoại.
Việc khối ngoại bán ròng phần nào khiến thị trường mất đi trợ lực. Nhiều cổ phiếu đã bị bán mạnh trên thị trường gồm bất động sản, ngân hàng. Cụ thể, cổ phiếu VHM và VNM là hai mã cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh nhất tuần qua với giá trị lần lượt là 979 và 304 tỷ đồng. Về phía cổ phiếu ngân hàng, STB là mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 304 tỷ đồng. Về phía cổ phiếu chứng khoán, có VND với 254 tỷ đồng.
Đánh giá về vấn đề này, Quỹ Kirin Capital cho biết, thực chất, xu hướng bán ròng của khối ngoại không chỉ diễn ra gần đây mà đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường kể từ tháng 2 năm nay.
“Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi 3 tháng trước đó, khối ngoại đã kịp gom về 34.500 tỷ đồng. Nên đương nhiên sẽ có xu hướng chốt lời một phần khi thị trường thuận lợi, nhất là vào thời điểm gần cuối năm khi các quỹ có nhu cầu cơ cấu lại danh mục cao”, Kirin Capital nhận định.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, Kirin Capital cho biết, giá trị và tần suất có khả năng sẽ theo xu hướng điều chỉnh giảm. Bởi tính từ tháng 2 đến nay, con số bán ròng đạt 20.000 tỷ đồng. “Điều này cho thấy dư địa để khối ngoại bán mạnh không còn nhiều trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn so với mặt bằng chung các nước Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung”, Quỹ đầu tư Kirin Capital phân tích.
Kirin Capital cũng phân tích rõ hơn rằng, khi tình hình kinh tế Việt Nam chưa thực sự có dấu hiệu khởi sắc cộng thêm chính sách tiền tệ ở Việt Nam vẫn đang trong trạng thái nới lỏng đi ngược với chính sách của Fed dẫn đến rủi ro tỷ giá. Xét về ngắn hạn, khó tránh khỏi việc xuất hiện những phiên bán ròng của khối ngoại. Thêm vào đó, có sự phân hoá giữa các nhóm ngành trên thị trường, cụ thể khối ngoại bán ròng các nhóm ngân hàng do lo ngại về tăng trưởng tín dụng còn thấp, nợ xấu tang hay thị trường bất động sản chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng với dòng vốn còn mắc kẹt, cung cầu chênh lệch và thủ tục pháp lý chưa được gỡ rối. Đố với nhóm ngành bán lẻ và thực phẩm tiêu dung, nhu cầu người dân thấp trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng là các yếu tố gây nên ảnh hưởng.
Trong khi đó, khối ngoại mua ròng các nhóm ngành Chứng khoán khi kỳ vọng vào hệ thống KRX sắp hoạt động vào ngày 25/12, Thép & Xây dựng khi kỳ vọng vào đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ), Hoá chất với mắt xích quan trọng của công nghiệp sản xuất chất bán dẫn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Kirin Capital kỳ vọng thời điểm cuối năm và nghỉ lễ Tết sẽ tạo đà phục hồi cho ngành Thực phẩm tiêu dùng, tăng sức hấp dẫn của ngành trong mắt khối ngoại giúp biên độ mua bán ròng toàn thị trường sẽ có sự cải thiện trong các tháng tiếp theo.
NGOẠI "XUẤT" - NỘI CÓ "NHẬP"?
Cũng theo thống kê của Kirin Capital, trong năm 2023, thị trường chứng khoán có 5 phiên khối ngoại bán ròng với giá trị lớn hơn 1.0000 tỷ đồng. Trong đó, có 2 phiên thị trường vẫn tăng điểm (phiên 7/7 tăng tận 11.85 điểm, 3 phiên còn lại giảm nhẹ từ 4-7 điểm). Có thể thấy với giá trị giao dịch chưa đến 10% toàn thị trường, động thái của khối ngoại ảnh hưởng không quá lớn đến tâm lý chung của các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên cũng là một vật cản khiến xu hướng tăng trong ngắn hạn của thị trường gặp nhiều trở ngại.
“Xét đến dài hạn, triển vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ nét thể hiện trong quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan quản lý, bao gồm việc điều chỉnh yêu cầu giá trị ký quỹ phải đạt 100% trước khi giao dịch, nới lỏng thủ tục thanh toán trên thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, hay việc đẩy nhanh vận hành hệ thống KRX hướng tới hỗ trợ các sản phẩm phái sinh cũng như hình thức giao dịch T+0 sau này. Chúng tôi kỳ vọng trạng thái bán ròng của khối ngoại sẽ nhanh chóng chuyển sang mua ròng với tần suất cao tạo tác động tích cực chứ không còn là áp lực cho thị trường Việt Nam”, Kirin Capital nhấn mạnh.
Không chỉ có Kirin Capital có nhận định về “lẽ tất nhiên” của động thái khối ngoại bán ròng. Khá nhiều Công ty chứng khoán cũng như quỹ đầu tư chung nhận định. Tuy nhiên, điều đó không khiến thị trường chứng khoán mất đi “sự giằng co trong thận trọng” hay giúp VN-Index “thăng hoa” về chỉ số. Bởi khi khối ngoại bán ròng các cổ phiếu được coi là “bệ đỡ” của VN-Index thì giá các cổ phiếu này sẽ bị “ghìm giá” và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khác tham gia thị trường.
Tính đến thời điểm này, các mã cổ phiếu VHM đã “bay” đến 4% giá trị trong các phiên giao dịch tuần qua. Cổ phiếu STB thì ghi nhận đà biến động khó lường với 2 phiên giảm, 3 phiên tăng. Với nhận định của Kirin Capital về xu hướng vốn ngoại vốn bán ròng trong thời gian tới, rất có thể việc khối nội tham gia thị trường là điều khả thi. Đây cũng là nhận định chung của nhiều quỹ đầu tư và công ty chứng khoán.
Nhưng xét về lâu dài, việc tham gia của bất kỳ dòng vốn nào trên thị trường chứng khoán đều tuân theo quy tắc “thuận mua vừa bán” và dòng vốn phải đảm bảo yếu tố sinh lời cũng như yếu tố “cơ cấu danh mục đầu tư” của mỗi khối.