Bán ròng ồ ạt từ đầu năm, đến bao giờ khối ngoại quay lại thành động lực tăng trưởng cho chứng khoán Việt Nam?

Khối ngoại có thể sẽ mua ròng trở lại ở thời điểm FED đảo chiều chính sách điều hành lãi suất, với thời gian dự kiến vào quý 2/2024...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đà bán ròng của khối ngoại dường như vẫn chưa chấm dứt
Đà bán ròng của khối ngoại dường như vẫn chưa chấm dứt

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tháng 11/2023 đầy cảm xúc, với phần lớn nghiêng về trạng thái tích cực. Rất nhiều thông tin tốt được đưa ra, từ đó hỗ trợ được tâm lý của nhà đầu tư như FED quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức cao nhất 22 năm, chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh liên tục đi xuống sau khi tạo đỉnh...

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, VN-Index dừng ở mức 1.094,13 điểm, tăng 65,94 điểm (6,41%) so với tháng 10. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 19,98 điểm (9,69%) lên 226,26 điểm, UPCoM-Index tăng 4,06 điểm (5,02%).

Thanh khoản thị trường cũng có sự phục hồi với tổng giá trị giao dịch bình quân ở mức 19.292 tỷ đồng/phiên, tăng 14%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 12,2% lên mức 17.363 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất là động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến đà phục hồi của thị trường chung.

Thống kê cho thấy, tính riêng tháng 11/2023, khối ngoại bán ròng khoảng 3.500 tỷ đồng trên toàn thị trường. Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2023, giá trị bán ròng khoảng 12.500 tỷ đồng trong đó giá trị bán ròng trên sàn HOSE ghi nhận khoảng 14.800 tỷ đồng.

Danh sách cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất sau 11 tháng gồm EIB (-4.323 tỷ đồng), MWG (-3.200 tỷ đồng), VPB (-2.203 tỷ đồng), VNZ (-2.203 tỷ đồng)...

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, xu hướng bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây có thể bắt nguồn từ những lo ngại liên quan đến căng thẳng tỷ giá. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại muốn phân bố lại tài sản.

ong-phuong-8595.jpg
Ông Nguyễn Duy Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam

Cụ thể, một số quỹ ETF đã tiến hành dịch chuyển dòng vốn đầu tư về lại thị trường chứng khoán Mỹ. Do hiện tại lãi suất kênh đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ đang rất cao, với mức ở kỳ hạn 10 năm là 4,3%.

Đồng thời, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang là một trong những thị trường chứng khoán có hiệu suất sinh lời tốt nhất trong cả năm 2023 so với các nước còn lại.

“Trong ngắn hạn, giống như nước chảy về chỗ trũng, khi thị trường nào có cơ hội đầu tư tốt hơn, có tính an toàn tốt hơn thì dòng tiền sẽ tạm thời dịch chuyển về đó nhiều hơn. Đến khi mức độ đầu tư ở những thị trường lớn bắt đầu chững lại, thì dòng tiền sẽ bắt đầu lan toả ra những thị trường mới nổi, giống như Việt Nam”, vị chuyên gia này phân tích.

Xét về cơ cấu tỷ trọng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% là của nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường của nhà đầu tư cá nhân nên hoạt động giao dịch của khối ngoại cũng có tác động lớn đến tâm lý giao dịch mua – bán của các nhà đầu tư.

Do đó, nếu khối ngoại mua ròng trong khoảng thời gian dài sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực với thị trường. Và ngược lại, khối ngoại bán ròng sẽ trở thành một trong những nguyên nhân cản trở đà tăng phục hồi của chỉ số VN-Index.

Trên thực tế, dòng vốn khối ngoại trên thị trường trong nhiều năm qua vẫn liên tục “chìm nổi” bởi nội tại thị trường chứng khoán còn gặp nhiều vấn đề bất cập. Đơn cử như vấn đề “hàng hóa” khan hiếm khiến nhà đầu tư không có lựa chọn mới.

Trong khi đó, cơ cấu thị trường lại nghiêng hẳn về nhóm tài chính - ngân hàng và bất động sản, còn các lĩnh vực công nghệ, dược phẩm, sản xuất, dịch vụ… lại hiện diện tương đối ít và không quá “mặn mà”.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương đánh giá, trong thời gian tới, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào giai đoạn 2025 – 2027 thì thị trường sẽ thu hút được dòng vốn ngoại rất lớn đổ vào giao dịch.

“Theo tôi ước tính, dòng vốn ngoại này có thể dao động trong khoảng từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD. Điều này sẽ tạo nên cú hích tăng giá bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Phương dự báo.

Song, trả lời câu hỏi mà rất nhiều nhà đầu tư quan tâm: “Khi nào thế lực khối ngoại mới thực sự trỗi dậy?”, ông Phương đặt niềm tin rằng khối ngoại sẽ mua ròng trở lại ở thời điểm FED đảo chiều chính sách điều hành lãi suất, với thời gian dự kiến vào quý 2/2024.

Do đó, để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại với thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Duy Thanh Phương đề cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy nhanh lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là động thái triển khai hệ thống KRX; nỗ lực minh bạch hơn trong việc xử lý sai phạm trên thị trường; cho phép mua khi chưa có tiền trong tài khoản tạm ứng... Đồng thời, tăng tính hấp dẫn cho thị trường, thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết có chất lượng cao lên sàn.

Có thể bạn quan tâm