Trong 4 tháng đầu năm, thu nội địa tăng 13% so với cùng kỳ

Sáng 5/5, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 4 và triển khai công tác tháng 5/2022.
Trong 4 tháng đầu năm, thu nội địa tăng 13% so với cùng kỳ

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn đã cho biết, lũy kế thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 47% so với dự toán, bằng 113% so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt tiến độ thu khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ là do phát sinh các khoản thu từ những năm trước được các tổ chức, cá nhân nộp trong quý I/2022, như: thu cổ tức được chia của các ngân hàng; thu từ dầu thô tăng 82,6% so cùng kỳ (do giá dầu thô tăng cao); thu tiền sử dụng đất. Đáng chú ý, số thu thuế, phí từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt 421.652 tỷ đồng, tăng 109,8% so cùng kỳ.

Theo Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, số tiền thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiêp và người dân còn hiệu lực từ năm 2021 và thực hiện một số chính sách hỗ trợ mới của năm 2022 ước tính khoảng 14.674 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số thuế thực hiện Nghị quyết số 406/NQ- UBTVQH15: giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT tháng 12/2021 (nộp vào tháng 1/2022) đối với DN, tổ chức; giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với DN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng; miễn thuế quý 4/2021 (nộp vào tháng 1/2022) đối với hộ, cá nhân kinh doanh ước tính giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 là khoảng 5.174 tỷ đồng.

Đối với việc giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP (từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022): tổng số lệ phí trước bạ ước tính giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 4.500 tỷ đồng; giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ (từ 01/02/2022 đến 31/12/2022), tổng số thuế ước tính giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 4.200 tỷ đồng.

Việc giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13 ngày 31/12/2021 của UBTVQH (từ 01/01/2022 đến  31/12/2022): ước tính làm giảm thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 480 tỷ đồng.

Đối với việc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư số 120 ngày 24/12/2021 (từ 01/01/2022 đến 30/6/2022): tổng số thuế ước tính làm giảm thu NSNN trong 4 tháng đầu  năm 2022 khoảng 320 tỷ đồng.

Để có được kết quả trên ngành Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, bên cạnh những yếu tố khách quan, trong 4 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện 11.087 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó kiểm tra được 173.169 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 123,16% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là 8.168 tỷ đồng. Toàn ngành Thuế đã thực hiện thu nợ được 2.900 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 4/2022 thu được 10.150 tỷ đồng.

Cùng với công bố kết quả thu ngân sách 4 tháng đầu năm, cuộc họp còn thông tin về tình hình thực hiện triển khai hóa đơn điện tử toàn quốc. Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, đến nay, trên toàn quốc đã có 681.263 người nộp thuế đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, trong đó có 643.596 DN và 37.667 hộ kinh doanh.

Đặc biệt trong 57 tỉnh, thành phố thực hiện giai đoạn 2 đã có nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tiến độ trên 50% số đơn vị chuyển sang thực hiện hóa đơn điện tử. Một số tỉnh đạt tiến độ tốt như: Bắc Ninh đạt trên 80%, Thái Nguyên đạt trên 90%, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Long An đều đã đạt trên 70% số DN chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Đối với việc đăng ký, kê khai, nộp thuế của Nhà cung cấp nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cho biết, đến nay đã có 13 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được Tổng cục Thuế cấp mã số thuế thành công, trong đó đã có 5 DN đã khai, nộp thuế với số tiền đã nộp NSNN đạt 42,3 tỷ đồng và 547.000 USD.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...