Các tập đoàn công nghiệp và công nghệ Trung Quốc đang ngày càng thành công trên thị trường toàn cầu. Các nền tảng thương mại điện tử như Shein và Temu đang tràn ngập trên nước Mỹ với những chiếc váy 7 USD và ba lô 3 USD có nguồn gốc từ các nhà máy đại lục.
Đồng thời, TikTok đang chiếm ngày càng nhiều thời gian sử dụng thiết bị của 1 tỷ người dùng toàn cầu. Cùng với đó, doanh số bán hàng của các nhà sản xuất xe điện như BYD đang đẩy Trung Quốc lên đầu bảng trong lĩnh vực xuất khẩu ô tô toàn cầu.
Do đó, ngay cả trong thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng, ngày càng nhiều nhà khỏi nghiệp lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc đang hướng tầm nhìn ra thị trường nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế ảm đạm và cạnh tranh gay gắt là một trong những lý do khiến họ tìm kiếm cơ hội bên ngoài Trung Quốc.
Môi trường nội địa khó khăn
Cuộc đàn áp công nghệ của Trung Quốc và nỗ lực thúc đẩy “sự thịnh vượng chung” nhắm vào các ông trùm kinh doanh của đất nước này cũng đã làm mất niềm tin của các công ty công nghệ vào thị trường quê nhà.
Huan Li, một nhà đầu tư tại chương trình tăng tốc khởi nghiệp Plug and Play, cho biết: “Các doanh nhân Trung Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ở trong nước cùng môi trường kinh doanh không chắc chắn, vì vậy rất hợp lý khi nhiều người đang tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài”.
Bà Rosie Zhang, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Cloudpick, một nền tảng bán lẻ thông minh dựa trên công nghệ AI hàng đầu, nói: “Trung Quốc có tính cạnh tranh cao - các công ty phần mềm và phần cứng phải liên tục cắt giảm chi phí, giảm tỷ suất lợi nhuận và tăng hiệu quả để duy trì khả năng tồn tại, nhưng những điều này mang lại lợi thế khi thâm nhập thị trường nước ngoài. Nếu bạn có thể sống sót ở đây, bạn có thể làm được ở bất cứ đâu".
Những nhà sáng lập tại các trung tâm đổi mới như Bắc Kinh và Thâm Quyến cho biết khách hàng nước ngoài sẵn sàng trả tiền hơn cho công nghệ giúp tăng tốc quy trình kinh doanh hoặc tự động hóa các chức năng của họ. Họ cũng ít có khả năng mặc cả hơn về giá.
Trong khi đó, khó khăn trong việc bán phần mềm ở Trung Quốc một phần là nguyên nhân khiến Allen Liu quyết định nhắm mục tiêu vào khách hàng nước ngoài khi công ty của ông thâm nhập vào mô hình phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS). Nền tảng trực tuyến WaterWheel Network của ông cho phép các trung tâm dữ liệu và các trung tâm khác cung cấp sức mạnh tính toán cho các công ty AI đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn.
Ông Allen Liu cho biết: “Khách hàng toàn cầu sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ. Nó dễ dàng hơn. Hoạt động kinh doanh cũ của chúng tôi ở Trung Quốc không phát triển nhanh lắm, nhưng ổn định, cho chúng tôi cơ hội mở rộng sang các thị trường nước ngoài mới nổi".
Với việc ngày càng nhiều các doanh nhân công nghệ Trung Quốc đặt tầm nhìn ra nước ngoài trong các lĩnh vực mới nổi như AI, áp lực mà sự bùng nổ của TikTok gây ra cho các nền tảng mạng xã hội khác có thể sớm đè nặng lên trên toàn bộ lĩnh vực công nghệ.
Lợi thế và thách thức của doanh nghiệp Trung Quốc
Một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của các công ty công nghệ Trung Quốc là giá.
Cloudpick hiện đang cung cấp hệ thống thị giác máy tính có thể giúp bất kỳ cửa hàng tiện lợi nhỏ nào cũng có thể mang lại trải nghiệm thanh toán tự động giống như Amazon Go. Giám đốc điều hành của Cloudpick cho biết công ty có thể định giá sản phẩm của mình thấp hơn các đối thủ cạnh tranh chính từ Mỹ và Israel. Cloudpick đang dẫn đầu một nỗ lực đổi mới để tự động hóa việc thanh toán bên ngoài Trung Quốc.
Qian Huang, người sáng lập Passive Edge, một công ty tập trung vào công nghệ năng lượng tái tạo, cho biết công ty khởi nghiệp của mình cũng có lợi thế tương tự. Passive Edge đưa ra mức giá chỉ bằng một nửa so với các đối thủ cạnh tranh ở Anh và Đức. Ông cho biết tập đoàn bán pin nhiệt để sưởi ấm của mình đang nhắm mục tiêu bán hàng ở châu Âu, nơi giá điện tăng chóng mặt.
Wu Houfeng, tổng giám đốc của Zhengchao Electric có trụ sở tại Sán Đầu, Trung Quốc, cho biết mức giá thấp và chuỗi cung ứng nội địa hóa sẽ giúp bộ sạc xe điện của họ có được chỗ đứng ở những thị trường mục tiêu đầu tiên của tập đoàn là Đông Nam Á và Châu Đại Dương.
Ông rằng: “Hoạt động kinh doanh trong nước cho phép chúng tôi chi trả cho việc mở rộng ra nước ngoài".
Tuy nhiên, một trở ngại mà họ phải vượt qua là nguồn gốc Trung Quốc của các công ty này trong thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng. Theo nhà đầu tư của Plug and Play, xích mích của Trung Quốc với phương Tây làm phức tạp việc mở rộng ra nước ngoài đối với các tập đoàn lớn hơn. Nhưng ông cho rằng nó sẽ ít gây trở ngại hơn đối với các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là khi họ không nằm trong tầm ngắm của chính phủ Trung Quốc.
Do đó, các doanh nghiệp lớn hơn của Trung Quốc, chẳng hạn như TikTok đã đi đầu trong việc cố gắng loại bỏ liên hệ nguồn gốc của họ với Trung Quốc.
TikTok hiện tự xưng là một công ty toàn cầu có trụ sở chính tại Los Angeles và Singapore. Danh sách chín địa điểm văn phòng toàn cầu khác của nhóm trên trang web của họ không đề cập đến bất kỳ địa điểm nào ở Trung Quốc, nơi các nhóm kỹ sư, nhà thiết kế sản phẩm và nhân viên vận hành phần lớn ứng dụng.
Danny Tao, người đứng đầu ePropulsion cho biết nguồn gốc từ Trung Quốc có những ưu điểm và nhược điểm. Nằm ở trung tâm của chuỗi cung ứng xe điện Trung Quốc đã giúp công ty của ông trở thành một trong những nhà sản xuất động cơ điện cho thuyền hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nguồn gốc Trung Quốc khiến việc bán hàng ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Ông nói: "Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một thương hiệu toàn cầu không khiến mọi người nhớ đến Trung Quốc".
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ không phủ nhận nguồn gốc Trung Quốc của mình. Nếu ai đó hỏi tôi sản phẩm của chúng tôi được thiết kế và sản xuất ở đâu, tôi sẽ nói là Trung Quốc, nhưng không cần phải nhấn mạnh bản sắc Trung Quốc của mình".