Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, "phá giá một chiều đồng tiền sẽ gây hại nhiều hơn là tốt cho nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ hỗ trợ xuất khẩu bằng cách phá giá Nhân dân tệ".
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc cố tình giữ tỷ giá Nhân dân tệ ở mức yếu. Hiện, Washington vẫn chưa đưa Bắc Kinh vào danh sách quốc gia thao túng tỷ giá.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, đồng Nhân dân tệ đã ở trong xu hướng giảm giá từ tháng 6 đến nay. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng sự giảm giá này của Nhân dân tệ chủ yếu phản ánh xu hướng mạnh lên của đồng USD và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng một mực phủ nhận có bất kỳ vai trò nào trong sự đi xuống của tỷ giá.
"Trung Quốc có thể sẽ không chủ động phá giá đồng nội tệ nhưng điều đó không có nghĩa là Nhân dân tệ sẽ giữ ở mức tỷ giá hiện tại. Những gì họ đang cố gắng làm là cho phép thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỷ giá đồng tiền", chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Michelle Lam thuộc ngân hàng Societe Generale ở Hồng Kông nhận định.
"Đây là chủ trương của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ nhân dịp này để nhắc lại thông điệp với Washington".
Tuyên bố này của Thủ tướng Trung Quốc giúp xoa dịu mối lo về sự giảm giá mạnh của đồng tiền này khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang mấy ngày qua", chiến lược gia tiền tệ Gao Qi thuộc Scotiabank ở Singapore phát biểu. Và có thể, tỷ giá Nhân dân tệ sẽ còn giằng co trong ngắn hạn tùy theo diễn biến của chiến tranh thương mại.
Vị Thủ tướng cũng nhắc lại lập trường của Chính phủ Trung Quốc là trật tự thương mại toàn cầu lấy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm trung tâm hiện nay cần phải được duy trì. Thời gian qua, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích WTO, cho rằng tổ chức này đối xử bất công với Mỹ và cần phải được cải tổ. Ông cũng dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO nếu tổ chức này không thay đổi.
"Chúng ta phải duy trì chủ nghĩa đã phương, các quy tắc của tự do thương mại", ông Lý Khắc Cường nói. "Cho dù các quy tắc cần được điều chỉnh như thế nào, thì chủ nghĩa đa phương vẫn mang lại lợi ích. Nếu có vấn đề xảy ra, đàm phán là việc làm cần thiết để giải quyết".
>> Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Góc nhìn của hai CEO hàng đầu