Trung tâm kết nối: “Sợi dây kết duyên” giữa kết quả nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp

Hội nữ trí thức Việt Nam là một trong những nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu của Hội vẫn chưa “kết duyên” được với nhiều doanh nghiệp để trở thành hàng hóa.
Trung tâm kết nối: “Sợi dây kết duyên” giữa kết quả nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp

Để cải thiện vấn đề này, hai bên cần tăng cường sự kết nối nhằm đưa kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào đời sống sản xuất, kinh doanh nhiều hơn nữa.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và bà Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tại hội thảo
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và bà Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tại hội thảo

Việc Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Hội Nữ Trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Kết nối công nghệ với sản xuất để kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ" trong khuôn khổ Chương trình "Thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ tại nơi làm việc - We Empower Asia" diễn ra mới đây là một trong những bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hoá sự kết nối này.

Những thành công trong ứng dụng khoa học công nghệ

Là một doanh nghiệp đã có những thành công bước đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền - Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê (Hiền Lê Group) chia sẻ tại hội thảo: “Với phương châm uy tín và chất lượng chính là yếu tố quan trọng để thâm nhập các thị trường kỹ tính. Vì vậy, Hiền Lê Group đã không ngại đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Công ty đã hợp tác với các chuyên gia đến từ Tập đoàn Nosui (Nhật Bản) hỗ trợ trong tất cả các khâu: Trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... Đối với vùng sản xuất, công ty hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa để giảm sức lao động, sản xuất theo quy trình sạch”.

Với sự đầu tư bài bản đó, các sản phẩm của doanh nghiệp đang dần chiếm được cảm tình của các đối tác nước ngoài. Hiện sản phẩm nông nghiệp của Hiền Lê Group đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC

Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh cũng là một trong những doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quy trình sản xuất và đã đạt được những thành công nhất định. Từ lò than bếp củi, Quang Vinh đã chuyển sang lò nung gas công nghệ cao được nhập từ Đài Loan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo được bước ngoặt mới cho công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm của gốm sứ Bát Tràng.

“Sau 2 lần xuất khẩu mặt hàng của mình ra nước ngoài nhưng cả hai lần đối tác đều “một đi không trở lại” bởi sản phẩm gốm sứ của Quang Vinh được nung bằng than, lại không đạt được độ mịn, đẹp như gốm của các nước khác. Sau khi biết được nguyên do, tôi đã quyết định phải ứng dụng công nghệ vào sản xuất để cải thiện vấn đề. Và hiện tại, nhờ ứng dụng công nghệ cùng với các yếu tố khác, mỗi năm Quang Vinh sản xuất được hàng triệu sản phẩm gốm. Từ việc xuất khẩu cho 2 nước, hiện 85% sản lượng được xuất khẩu cho trên 20 thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc….” - Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Cty TNHH gốm sứ Quang Vinh chia sẻ.

Đó là hai trong nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đã thành công trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất. Tuy nhiên những công nghệ mà các doanh nghiệp này ứng dụng vẫn là “những đứa con ngoại lai” chứ chưa phải là những sản phẩm công nghệ được nghiên cứu trong nước. Thực tế, việc các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ của các nhà khoa học trong nước vẫn còn quá khiêm tốn khi hiện chỉ có 5-10% sản phẩm công nghệ được đưa ra thị trường, được thương mại hóa.

Bà Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam
Bà Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam

Thú nhận về sự ít ỏi của những kết nối giữa các nữ trí thức và doanh nhân, bà Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam nêu dẫn chứng, từ năm 2013, Hội nữ trí thức Việt Nam có kết nối những nữ trí thức và doanh nhân, giới thiệu được 24 nhà khoa học nữ và 24 doanh nhân nhưng thông qua một dự án trên truyền hình có tên "Phụ nữ với nghiên cứu khoa học, thương mại hóa và sở hữu trí tuệ" từ sáng kiến của một nhà báo. Còn mới đây, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã kết nối các nhà khoa học trường Đại học Bách khoa và công ty Sao Thái Dương trong sản xuất bộ kit test xét nghiệm virus SARS-COV-2.

Tăng cường kết nối, tạo sân chơi chung

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam nhận định, một tồn tại hiện nay là thiếu sân chơi, thiếu trung tâm kết nối, thiếu sàn giao dịch tri thức và thiếu dữ liệu, thiếu thông tin cần thiết về các sản phẩm khoa học. Do đó, các nhà khoa học và các doanh nghiệp khó gặp nhau.

Để cải thiện vấn đề này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh rằng, nhà nước phải đầu tư nhiều hơn nữa để có những sàn giao dịch trí tuệ, từ đó các nhà khoa học có thể gặp các doanh nghiệp. Mặt khác, cần tăng cường kỹ năng kết nối, nâng cao năng lực của mỗi doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần xây dựng trung tâm dữ liệu của Hội Nữ trí thức Việt Nam nhằm tập hợp dữ liệu về các sản phẩm, quy trình công nghệ của các nhà khoa học nữ. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hội thảo sâu theo chuyên đề để các nhà khoa học và các doanh nghiệp gặp gỡ nhau mua bán, chào hàng và kết nối với nhau. Sẽ nghiên cứu các nhu cầu của doanh nghiệp để đặt hàng các nhà khoa học nữ đáp ứng được.

Các nữ doanh nhân trong phiên thảo luận
Các nữ doanh nhân trong phiên thảo luận

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng yêu cầu Hội Nữ trí thức Việt Nam cùng VWEC tổ chức tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý điều hành, kỹ năng giao tiếp cho các doanh nghiệp nữ. VWEC hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ vừa nghiên cứu vừa sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nữ thành lập hệ sinh thái, môi trường kinh doanh, chuyển giao mô hình công nghệ. Làm thế nào để rút ngắn con đường từ phòng thí nghiệm ra thị trường, nghiên cứu xong cần phải thương mại hóa nhanh mới đáp ứng yêu cầu.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, để khoa học thực sự trở thành động lực và là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cần phải tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, nhất là từ doanh nghiệp. Đồng thời, phải tăng cường liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ trường, viện thành hàng hóa.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học đến với các doanh nghiệp, phải phát triển đồng đều các yếu tố của thị trường khoa học và công nghệ, hoàn thiện hành lang pháp lý cho các bên tham gia vào thị trường này. “Bổ sung và tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến thị trường khoa học, công nghệ để các doanh nghiệp, nhà khoa học có thể tiếp cận, tra cứu thông tin của nhau…” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói thêm.

Trung tâm kết nối: “Sợi dây kết duyên” giữa kết quả nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp ảnh 5 Trong khuôn khổ hội thảo, Hội Nữ trí thức Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác nhằm kết nối các nữ trí thức, các nhà khoa học nữ với doanh nhân nữ Việt Nam. Qua đó phát huy tiềm năng, trí tuệ của nguồn nhân lực nữ và thế mạnh của các nữ doanh nhân Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Có thể bạn quan tâm