Thời gian qua, trung tâm thương mại ghi nhận sự gia tăng lớn về mặt bằng cho thuê, giá thuê. Hiện, loại hình này được rất nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm và đầu tư.
Vào đầu năm 2025, Tập đoàn Aeon đã khai trương trung tâm thương mại thứ 9 tại Việt Nam là AEON Xuân Thuỷ (Hà Nội). Với mô hình trung tâm 3 tầng kết hợp khu ẩm thực, tập đoàn này đang tập trung phát triển các mô hình bán lẻ với quy mô đa dạng, từ đại siêu thị đến các cửa hàng bán lẻ gần khu dân cư.
Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Takashimaya cũng đã lên kế hoạch trong giai đoạn 2025 – 2027 sẽ làm dự án trung tâm thương mại Takashimaya được định hướng trở thành một trung tâm thương mại dịch vụ mang đậm nét văn hóa Nhật Bản và khối tháp là tổ hợp văn phòng hạng A tại lô đất C1-CC1 nằm bên phải đường Xuân Tảo thuộc khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây
Hay THISO sau khi mở đại siêu thị Emart thứ ba tại TP.HCM đã cho thấy chiến lược mở rộng đại siêu thị thứ 4 tại phía Bắc với việc mua lại quỹ đất rộng 2,4ha tại khu đô thị Tây Hồ Tây.
GIÁ THUÊ TĂNG
Theo số liệu của CBRE, năm 2024, thị trường bán lẻ Hà Nội chào đón 24.581m2 diện tích cho thuê mới từ hai trung tâm thương mại là The Linc Park City ở quận Hà Đông và The Diamond Plaza ở quận Thanh Xuân. Qua đó thị trường Hà Nội ghi nhận 52.000m2 diện tích hấp thụ ròng và mức giảm cho tỷ lệ trống trung bình từ 12% xuống 10,1%.
Đồng thời, thị trường bán lẻ TP.HCM cũng bổ sung thêm 117.000m2 diện tích cho thuê mới từ bốn trung tâm thương mại Central Premium và Parc Mall ở quận 8, Vincom Megamall Grandpark ở quận 9, và Vincom 3/2 ở quận 10. Tất cả đều khai trương với tỷ lệ lấp đầy gần 100%. Điều này dẫn đến mức hấp thụ ròng cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2017 tại TP.HCM, với 132.000m2 và tỷ lệ trống trung bình giảm từ 9% xuống 7%.
Chuyên gia CBRE cho hay, năm 2024 ghi nhận sự gia tăng trong số lượng giao dịch nhờ vào hoạt động mở rộng của nhóm ngành F&B, chiếm 45% tổng số giao dịch, tiếp theo là thời trang và phụ kiện.
Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của các thương hiệu hiện có, CBRE cũng quan sát được xu hướng các thương hiệu Trung Quốc thâm nhập vào thị trường quốc tế, với sự hiện diện ngày càng tăng tại Việt Nam thời gian gần đây, như KKC, Semir, Chagee, Xiaoyu, Songmont, Urban Revivo…
Các tập đoàn nội địa gồm Thái Tuấn, Ther Gab, hoặc Golden Gate tiếp tục nổi lên và mở rộng. Tập đoàn Thái Tuấn gần đây đã ra mắt thương hiệu Cao Minh 1948, cửa hàng Rene Caovilla Boutique đầu tiên, cửa hàng đầu tiên của Kiton, và cửa hàng đầu tiên của Primadonna Collection tại Việt Nam.
Về giá thuê trung bình ở các khu vực trung tâm đạt gần 173 USD/m2/tháng tại Hà Nội và 280 USD/m2/tháng tại TP.HCM, đánh dấu mức tăng lần lượt 16,2% và 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thuê ngoài khu vực trung tâm ở cả hai thành phố ghi nhận mức tăng hàng năm là 10,1% với 37,3 USD/m2/tháng tại Hà Nội và 4% với 53 USD/m2/tháng tại TP.HCM.
Theo bà Thanh Phạm, Phó Giám đốc CBRE Việt Nam, các thương hiệu trong nước và nước ngoài đang đều đặn mở rộng tại các quận trọng điểm, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt cho các vị trí đắc địa giữa lúc thiếu hụt nguồn cung chất lượng.
Còn bà Mai Võ, Trưởng bộ phận Dịch vụ Bán lẻ tại CBRE Việt Nam bổ sung, mặc dù doanh số bán hàng của các thương hiệu cao cấp sụt giảm, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ một số thương hiệu ngách đang nhắm đến việc mở cửa hàng vào năm 2025 - 2026.
“Dù tâm lý hiện tại về tăng trưởng doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc và khu vực lân cận Việt Nam có phần trầm lắng, một số lượng lớn các thương hiệu Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội mở rộng ra nước ngoài, với Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng để mở rộng mạng lưới cửa hàng của họ. Do đó, cả các chủ đầu tư và khách thuê nên đưa ra quyết định hợp lý để đảm bảo vị trí và lên kế hoạch trong ít nhất 12 - 18 tháng trước ngày khai trương cửa hàng do thời gian chuẩn bị dài là cần thiết nhằm đảm bảo vị trí phù hợp”, bà Mai phân tích.
SỨC HẤP DẪN ĐẾN TỪ ĐÂU?
Doanh nghiệp hiện nay có nhiều lựa chọn mặt bằng bán lẻ, từ trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ, trung tâm bách hóa đến shophouse (nhà phố). Trong đó, trung tâm mua sắm là mô hình chiếm ưu thế.
Lý giải sức hấp dẫn trên, bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, yếu tố quan trọng giúp trung tâm thương mại trở thành lựa chọn hàng đầu của khách thuê là vị trí đắc địa, với khả năng kết nối thuận tiện tới các khu dân cư, văn phòng và tiện ích trong dự án cũng như tại các khu vực lân cận. Vị trí tại các khu vực đông dân tạo ra nguồn khách hàng tiềm năng cho các thương hiệu.
Ví dụ, khu phức hợp thương mại Lotte Mall West Lake Hanoi, nằm tại phía Tây Hà Nội - trung tâm kinh tế mới của thành phố, thuộc tuyến đường Lạc Long Quân - Võ Chí Công, gần hồ Tây và các khu dân cư lớn như Ciputra Hanoi.
Hay dự án Hinode City Mall cũng nhận được sự quan tâm cao từ các thương hiệu lớn nhờ vị trí thuận lợi. Dự án nằm tại tuyến đường Minh Khai – Kim Ngưu, thuộc quận Hai Bà Trưng, đông đúc dân cư và dễ dàng kết nối với nhiều trường đại học, bệnh viện, và các khu vực khác trong thành phố.
So với những mặt bằng bán lẻ khác, điều quyết định sự thành công của trung tâm thương mại còn là chiến lược sắp xếp phân khu khách thuê hợp lý, tạo sự hài hòa giữa các ngành hàng. Mô hình khách thuê của một trung tâm thương mại lớn được thiết kế nhằm mang đến trải nghiệm hấp dẫn.
Khách thuê chính như siêu thị, rạp chiếu phim hoặc các thương hiệu nổi tiếng đóng vai trò thu hút lượng lớn khách ghé thăm. Bên cạnh đó, các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm và phụ kiện đa dạng hóa lựa chọn mua sắm, đáp ứng sở thích của từng khách hàng.
Khu vực F&B không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống mà còn tạo không gian thư giãn cho gia đình và bạn bè. Các khu giải trí như rạp chiếu phim hoặc khu vui chơi trẻ em giúp kéo dài thời gian lưu lại và gia tăng trải nghiệm.
Với sự kết hợp hài hòa giữa mua sắm, ẩm thực và giải trí, trung tâm thương mại trở thành điểm đến toàn diện, nơi khách hàng có thể tận hưởng mọi dịch vụ trong một không gian tiện nghi và hiện đại.
Đặc biệt, hiệu quả vận hành giúp trung tâm thương mại giữ chân người tiêu dùng và khách thuê. Các trung tâm thương mại được đầu tư bài bản, thường có sự góp mặt của các đơn vị vận hành quốc tế, tạo môi trường mua sắm, giải trí thuận tiện và trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Bà Mai nói thêm, từ sau giai đoạn Covid-19, những tiêu chí về an toàn phòng cháy chữa cháy được thắt chặt hơn, nhiều nhãn hàng từ thời trang, mỹ phẩm đến ẩm thực… có xu hướng di dời vào trung tâm thương mại để đảm bảo quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy”.
Trong quá trình vận hành, các trung tâm thương mại chú trọng đến hoạt động marketing, truyền thông nhằm thu hút khách hàng đến mua sắm, giải trí. Từ đó duy trì lượng khách hàng ổn định cho các thương hiệu, góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh doanh cho các đối tác thuê.
Chuyên gia Savills nhấn mạnh: “Được xây dựng bài bản bởi các chủ đầu tư lớn uy tín với định vị phân khúc khách hàng rõ ràng, thuộc tầm trung đến cao cấp, và thường được vận hành chuyên nghiệp bởi các đơn vị quốc tế, trung tâm thương mại góp phần khẳng định vị thế và hình ảnh của các thương hiệu góp mặt”.
Bà Mai đánh giá, sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và nhóm khách hàng trẻ cận giàu trong nước đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ, giúp Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng cho các thương hiệu hàng hiệu.
Khoảng 10-15 năm trước, phần lớn người tiêu dùng cao cấp tại Việt Nam có xu hướng mua sắm hàng hiệu khi du lịch nước ngoài. Giờ đây, họ ngày càng ưa chuộng việc trải nghiệm và sở hữu các sản phẩm cao cấp ngay trong nước. Chính xu hướng này đã tạo cơ hội hấp dẫn cho các nhà bán lẻ đang muốn khai thác tiềm năng của thị trường trung tâm thương mại, mở ra nhiều triển vọng.