Trung tướng Tô Ân Xô lý giải việc chênh lệch thu lợi bất chính của Việt Á

Trong quá trình điều tra Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã thu lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng. Con số này chênh lệch khá lớn so với lần công bố của Bộ Công An vào đầu tháng 6…

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an

Sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt và các bị can có liên quan khai là Công ty có doanh thu và lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng và Việt đã sử dụng 20 - 25% số tiền này, tương ứng với khoảng 800 tỷ đồng để chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, các đối tác mua test kit, vật tư, thiết bị hay vật phẩm y tế khác.

Đây là lời khai ban đầu của Việt Á và được Bộ Công an đã thông tin với báo chí. Nhưng sau khi có kết luận điều tra ban hành ngày 17/8 thì có những con số chênh lệch.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã lý giải về sự chênh lệch này.

Thứ nhất là không thể dùng lời khai ban đầu của các đối tượng để làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra bởi vì như tôi đã từng nói, phải trọng chứng hơn trọng lời khai.

Thứ hai là chỉ khi nào có căn cứ chứng minh việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì mới có thể khởi tố điều tra, kết luận và đề nghị truy tố.

Thứ ba, chứng cứ rõ đến đâu thì kết luận đến đó.

Thứ tư, ngoài C03 Bộ Công an thì Bộ cũng đã phân công, ủy thác cho công an 61 tỉnh, thành phố điều tra liên quan đến vụ việc này. Đến nay, một số tỉnh vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra để làm rõ số tiền thu lợi bất chính và số tiền bôi trơn trong vụ án này.

Để rõ hơn, Trung tướng đã lấy ví dụ là theo thông tin ban đầu, có vụ án một cái tàu chìm ở một địa điểm X nào đó. Ước lượng thiệt hại ban đầu là 50 tỷ đồng nhưng khi kết luận điều tra thì chỉ thiệt hại 20 tỷ thôi. Vì sao? Vì cứu nạn cứu hộ tốt, xử lý hàng hóa trên tàu nhanh chóng, hay lời khai của chủ tàu với các dữ kiện hàng hóa khác nhau nên kết luận điều tra khác với con số ban đầu.

“Hay có một vụ cháy xảy ra tại một quán karaoke X nào đó. Thông tin ban đầu thiệt hại là 10 tỷ và 3 người chết, nhưng khi kết luận điều tra là 5 người chết, thiệt hại là 20 tỷ. Vì qua quá trình điều tra, 2 nạn nhân sau khi vào bệnh viện mới tử vong chẳng hạn. Cho nên là con số chênh lệch này được giải thích như vậy”, Trung tướng dẫn chứng.

Về việc một số lãnh đạo dù nhận tiền cảm ơn lớn nhưng chỉ bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ và vi phạm quy định về đấu thầu trong vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, phương thức, cách thức, hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ Việt Á này rất khác nhau.

Có bị can thì đặt yêu cầu, nêu thỏa thuận, đặt điều kiện với đối tượng đưa tiền và họ nhận tiền xong thì mới xử lý việc hai bên đã đặt yêu cầu trước đó. Và có những đối tượng, bị can không đưa ra yêu cầu, không đưa ra điều kiện hay đưa ra thỏa thuận nào trong việc xử lý công việc cả. Họ nhận tiền, nhận quà sau khi công việc đã hoàn thành. Mặc dù có những bị can nói là nhận quà biếu, quà tặng nhưng họ vẫn bị xử lý hình sự. Như vậy là hành vi, động cơ khác nhau trong việc nhận tiền thì sẽ bị xử lý khác nhau.

Người phát ngôn Bộ Công An thông tin thêm, việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố với các bị can về các tội danh như trên, trong kết luận điều tra, Bộ Công an đã đề nghị truy tố 38 bị can về 6 tội danh.

Việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố đối với các bị can về các tội danh trên đã được Bộ Công an tiến hành rất khoa học, thận trọng, khách quan, toàn diện, triệt để và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quán triệt và thực hiện chủ trương nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo.

Cùng với đó, có sự phân hóa rõ với từng bị can, từng hành vi phạm tội một cách thấu đáo; phân tích đánh giá toàn diện, xác định rõ những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm, tình tiết khoan hồng trên nguyên tắc không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Xem thêm

Bộ Công an: Chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng bán khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi bảo hiểm xã hội

Bộ Công an: Chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng bán khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi bảo hiểm xã hội

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Trung tướng Tô Ân Xô, đại diện Bộ Công an cho biết việc bán khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi bảo hiểm xã hội đã xảy ra từ rất lâu và xảy ra ở nhiều địa phương. Lực lượng công an và các đơn vị chức năng khác cũng đã tiến hành nhưng chưa ngăn chặn được triệt để...

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...