Trượt gói thầu cao tốc, Tập đoàn Sơn Hải tố có dấu hiệu làm trái quy định đấu thầu

"Luật Đấu thầu đã bị bẻ cong vì quyền lợi của ai?" là nội dung mà Tập đoàn Sơn Hải đăng tải công khai kèm công văn phản đối sau khi bị loại khỏi gói thầu cao tốc dù giá dự thầu thấp hơn hàng trăm tỷ đồng...

Tập đoàn Sơn Hải phản đối quyết định chọn thầu của chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước

Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải vừa có công văn số 179 về việc phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước gửi chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước.

Theo đó, ngày 17/3/2025 chủ đầu tư dự án này đã mở thầu công khai qua mạng với giá gói thầu hơn 880,7 tỷ đồng. Gói thầu có 5 nhà thầu tham dự. Trong đó, Tập đoàn Sơn Hải là đưa ra giá dự thầu thấp nhất với 732,2 tỷ đồng, tiết kiệm 148,4 tỷ đồng so với giá chủ đầu tư đưa ra.

Các nhà thầu còn lại là Tập đoàn Cienco 4 dự thầu 800,6 tỷ đồng; Liên danh cao tốc IB2500057961 ra giá 804 tỷ đồng; Liên danh cao tốc Bình Phước là 836 tỷ đồng và Liên danh cao tốc HCM – TDM – CT là 866,4 tỷ đồng.

Trên fanpage chính thức của Tập đoàn Sơn Hải đã đăng tải toàn bộ công văn số 179 của tập đoàn với nội dung: “Luật Đấu thầu đã bị bẻ cong vì quyền lợi của ai đây?”.

Song, ngày 22/5/2025 chủ đầu tư dự án này đã chọn nhà thầu có giá trị cao nhất để trúng thầu là Liên danh cao tốc HCM – TDM – CT (866,4 tỷ đồng). Theo Tập đoàn Sơn Hải, những nhà thầu mà chủ đầu tư đã loại là những doanh nghiệp hàng đầu, có tiếng trong xây dựng giao thông của Việt Nam đều bị chủ đầu tư loại với lý do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu này.

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng, chủ đầu tư có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật trong đấu thầu dẫn đến thất thoát, lãng phírất lớn tiền của Nhà nước hơn 113 tỷ đồng và thiệt hại đến kinh tế, uy tín, danh dự của doanh nghiệp.

Bởi vậy, Sơn Hải phản đối quyết định chọn thầu của chủ đầu tư, gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Bình Phước để giải quyết theo quy định của Luật đấu thầu, gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để xem xét, làm rõ.

Được biết, dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt ngày 12/12/2024 với chiều dài khoảng 6,6km, đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 6 làn xe cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 1.474 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 1.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 474 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình được thành lập vào tháng 4/1998. Ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn là xây dựng nhà để ở. Doanh nghiệp này đang có vốn điều lệ hơn 4.478 tỷ đồng.

Tập đoàn Sơn Hải từng tham gia một số dự án cao tốc như gói thầu XL-01 cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu; gói thầu XL-07 cao tốc Cam Lộ - La Sơn; gói thầu XL-10 tại cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45; hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế; dự án hồ chứa nước Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận; dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh…

Mới đây, tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Sơn Hải đánh giá, trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, cải thiện việc chậm tiến độ, đội vốn. Việc nâng tiến độ, đưa công trình vào khai thác đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Bên cạnh những kết quả tích cực, doanh nghiệp có một số vướng mắc. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo hành công trình cấp 1 trở lên là 24 tháng (2 năm). Nhưng Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất được bảo hành 10 năm.

Trong trường hợp này, Tập đoàn đề xuất khi nhà thầu tự nguyện cam kết bảo hành 10 năm thì chủ đầu tư chỉ giữ lại khoản bảo lãnh trong 2 năm, không cần giữ lại khoản bảo lãnh 10 năm, để tránh đọng vốn của nhà thầu.

Về vấn đề này, Sơn Hải xin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, hoàn thiện cơ chế, pháp lý phù hợp để doanh nghiệp có thể tăng thời gian bảo hành. Vì khi doanh nghiệp đăng ký gói bảo hành 10 năm thì có thể yên tâm hơn trong đầu tư, áp dụng công nghệ cao, bảo dưỡng…

Có thể bạn quan tâm