Tuần giao dịch vừa qua đã kết thúc với sự kiện các quỹ ETF hoàn tất việc cơ cấu danh mục quý 2. Thông thường, trước ngày này, thị trường giao dịch trong trạng thái thận trọng và sau khi kết thúc, tâm lý nhà đầu tư được cởi bỏ, thị trường sẽ giao dịch “thăng hoa” hơn rất nhiều.
Trong tuần này, thị trường chứng khoán Việt Nam chờ đón 2 sự kiện quan trọng.
Thứ nhất, báo cáo review của MSCI.
Vào 3h30 sáng ngày 21/06 theo giờ Việt Nam, MSCI sẽ công bố đánh giá Phân loại thị trường. Việt Nam hiện đang được phân loại ở thị trường cận biên (Frontier Market) và hướng tới được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market).
Nâng hạng thị trường không chỉ là cách xây dựng hình ảnh cho thị trường tài chính quốc gia mà nó còn tác động trực tiếp lên khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài.
Để có cơ hội cao được nâng hạng trong tháng 6/2018, điều đầu tiên Việt Nam cần là được nằm trong Danh sách theo dõi xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI trong lần review này (danh sách dự bị). Nếu được vào danh sách dự bị, chứng khoán Việt Nam chắc chắn sẽ đón nhận một đợt sóng mạnh với kỳ vọng từ dòng tiền của khối ngoại.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều này có lẽ chưa xảy ra nhưng nếu không có trong danh sách đánh giá, đây cũng có thể là một cơ hội để Việt Nam gia tăng tỷ trọng trong MSCI Frontier Markets nếu Argentina hoặc Nigeria (tổng tỷ trọng là 25%) được nâng hạng lên thị trường mới nổi hoặc chỉ số độc lập.
Bên cạnh đó, tỷ trọng của Việt Nam trong Frontier Market index nhiều khả năng sẽ tăng lên sau khi Pakistan được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Thứ hai, Nghị quyết về xử lý nợ xấu được bấm nút hay không?
Cũng trong ngày 21/06, Quốc hội khóa XIV sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Qua 2 phiên thảo luận tại hội trường và một phiên thảo luận ở tổ cùng những tiếp thu ý kiến từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo là Ngân hàng Nhà nước, đến nay chỉ còn một vấn đề chưa thống nhất được đó là về phạm vi nợ xấu để xử lý. Vẫn còn tồn tại hai quan điểm, gồm một là chỉ xử lý nợ xấu từ 31/12/2016 trở về trước và hai là áp dụng cho cả các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Phía cơ quan soạn thảo mong muốn đại biểu thông qua phương án 2, nhưng nhiều ý kiến còn chưa đồng tình và theo phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc quyết định lựa chọn phương án nào cuối cùng sẽ do đại biểu bỏ phiếu thông qua.
Còn lại các vấn đề cơ bản của nghị quyết đã được đồng thuận, trong đó có những điểm đáng chú ý như không dùng ngân sách xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu; trao quyền xử lý tài sản đảm bảo (những tài sản không có tranh chấp, không nằm trong các vụ án) cho các tổ chức tín dụng...
Theo Hải Thanh/ Trí thức trẻ
>>Thu giữ tài sản bảo đảm: Đảm bảo không xâm phạm quyền con người