Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: VinFast có thể là dự án tốt nhất của tập đoàn

Theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ban đầu sản xuất xe xăng là để khẳng định Việt Nam có thể sản xuất được ô tô, sau đó chuyển sang xe điện là để phù hợp với xu hướng trên thế giới…
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lý giải nguyên nhân bỏ xe xăng sang sản xuất xe điện

Sáng 17/5, Tập đoàn VinGroup đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Tại Đại hội, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trả lời cổ đông về quyết định chuyển hướng sang sản xuất xe ô tô, và nhất là quyết định dừng sản xuất xe ô tô chạy bằng xăng để chuyển sang ô tô chạy bằng điện.

Theo đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng, việc sản xuất ô tô là để đóng góp cho xã hội, đất nước, bởi hiện tại VinFast đang thua lỗ, phải đến năm 2025 mới đạt điểm hòa vốn.

“Tuy nhiên, khi chúng ta đã thành đạt thì phải có trách nhiệm đóng góp cho đất nước, xây dựng một thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp và có sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế", tỷ phú Phạm Nhật Vượng định hình về thương hiệu xe VinFast.

Lý giải về thời gian đầu VinFast sản xuất xe xăng, ông Vượng cho biết là vì thời điểm đó xe điện ít người biết tới. Đồng thời, công nghệ của xe điện cũng rất khó.

"VinFast làm để mọi người biết chúng tôi có thể làm được ôtô. Sau này khi xe điện thành xu hướng, chúng tôi quyết định dồn toàn lực", ông Vượng chia sẻ.

Đến giai đoạn sau, chủ trương "cách mạng xanh" đã mở ra cơ hội lớn cho VinFast, biến "VinFast trở thành dự án tiềm năng, thậm chí có thể là tốt nhất của tập đoàn", ông Vượng chia sẻ.

Về việc các hãng xe điện từ Trung Quốc đang có kế hoạch thâm nhập thị trường, ông Vượng cho rằng "nước sông không phạm nước giếng" khi  thương hiệu xe Trung Quốc có tệp khách hàng của riêng họ, VinFast cũng có định vị riêng, không thương hiệu nào có thể chiếm lĩnh hoàn toàn 100% thị trường.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lý giải nguyên nhân bỏ xe xăng sang xe điện

"Sản phẩm không chỉ đắt hay rẻ, mà còn hợp hay không hợp. Tôi cho rằng ở Việt Nam, rất nhiều người sẽ ủng hộ VinFast, chỉ cần có sản phẩm tốt và phù hợp. Chưa kể, Vingroup còn có hệ sinh thái rất tốt. Vì thế, chúng tôi không lo ngại về thị trường Việt Nam", ông Vượng nói.

Về các trạm sạc, ông Vượng cho biết: “Không có lý do gì VinFast bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng trạm sạc lại có thể dễ dàng cho các đối thủ sử dụng". Do đó, sau 10 năm nữa sẽ cho các hãng khác sạc cùng.

Về thông tin VinFast sáp nhập với Black Spade Acquisition Co., ông Vượng cho biết đây là một nửa bước để có thể niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Sau khi sáp nhập, VinFast vẫn là chủ của công ty này.

Về kế hoạch trong tương lai, ông Vượng cho biết VinFast định hướng phát triển mạng lưới bán hàng tại tất cả thị trường mục tiêu trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ bán hàng và bàn giao sản phẩm tại thị trường trọng điểm là Mỹ.

Đồng thời, sản phẩm của VinFast cũng sẽ trải dài trên tất cả các phân khúc từ A đến E. Tuy nhiên, việc có phát triển thêm dòng xe mới sẽ phụ thuộc thị trường.

Được biết, dự kiến năm 2023, sản lượng bán xe của VinFast có thể đạt khoảng 45.000 – 50.000 chiếc, dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2024.

Có thể bạn quan tâm