Việc xác lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là cơ quan độc lập không được Chính phủ đặt ra, nhưng đây lại là vấn đề được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật rất quan tâm...
Chiều 6/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều và việc sửa đổi Luật ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.
Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN để tăng cường phân cấp, quyền hạn, trách nhiệm cho cơ quan này.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, vị trí, vai trò của UBCNKK cần được xác lập để có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức, quản lý và giám sát toàn diện hoạt động đối với thị trường chứng khoán (là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; bổ nhiệm nhân sự, phê duyệt Điều lệ của Sở giao dịch chứng khoán, tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán; thanh tra, xử lý vi phạm).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thẩm tra dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Kinh tế cho rằng việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết bởi việc nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan này là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
"UBCKNN thuộc Chính phủ sẽ giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động đáp ứng tính chủ động, kịp thời", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Trước đây, khi quy mô thị trường còn nhỏ, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường lớn hơn nhiều với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đa số các nước quy định UBCKNN có vị trí độc lập. Những nước còn lại có mô hình UBCKNN thuộc Bộ Tài chính cũng đều bảo đảm nguyên tắc độc lập và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn, không như mô hình hiện tại của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm ổn định, Ủy ban Chứng khoán trước mắt vẫn trực thuộc Bộ Tài chính. Điều này vẫn phù hợp để thống nhất đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong quản lý tài chính, tránh sự xáo trộn trong giai đoạn hiện nay và bảo đảm tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền của UBCK đối với thị trường chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán và tổ chức lưu ký, bù trừ chứng khoán, bảo đảm tính độc lập trong hoạt động cho cơ quan này...