Ngày 06/01/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 13/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (địa chỉ: Lô B3-1, KCN Tây Bắc, Củ Chi, TP. HCM).
Cụ thể, Công ty bị phạt 125 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo quy định.
Quyết định xử phạt nêu rõ, Công ty chưa có thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo quy định tại Khoản 4 Điều 276 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Bên cạnh đó, Cao su Bến Thành còn bị xử phạt 150 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.
Theo Báo cáo tài chính năm 2019, năm 2020 đã kiểm toán và Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 đã được soát xét của Công ty, cho thấy: Trong năm 2019, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Công ty đã thực hiện giao dịch với Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (đều là cổ đông lớn của Công ty).
Tuy nhiên, giao dịch giữa Công ty với Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (trong năm 2019, 2020, 6 tháng đầu năm 2021) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (trong năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021) chưa được Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị thông qua).
Như vậy, tổng số tiền Cao su Bến Thành phải nộp phạt lên tới 275 triệu đồng.
Cao su Bến Thành được thành lập từ năm 1976 với tên gọi Xí Nghiệp Cao Su Giải Phóng, năm 1994 được đổi tên thành Công ty cao su Bến Thành. Tháng 5/2007 Công ty đã hoàn tất thủ tục cổ phần hóa và chính thức đổi tên thành: Công ty CP Cao su Bến Thành (Berubco). Ngành nghề chính là sản xuất băng tải cao su cấu trúc nhiều lớp vải chịu lực, dây Courroie, phụ tùng cao su kỹ thuật, sản phẩm cao su khác...
Về tình hình kinh doanh, trong quý 3, doanh thu thuần của BRC đạt gần 83 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu, tăng 34% so với cùng kỳ chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao vì ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lợi nhuận gộp chỉ ghi nhận gần 18 tỷ đồng, giảm 6%.
Sau khi cộng doanh thu tài chính và trừ các loại chi phí còn lại, BRC báo lãi sau thuế quý 3 đạt 5 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Với kết quả nửa đầu năm khả quan, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đều lần lượt tăng 19% và 9% so với cùng kỳ, đạt 251 tỷ đồng và 18 tỷ đồng.
Tổng tài sản của BRC tại thời điểm cuối tháng 9 tăng 9% so với đầu năm, lên hơn 319 tỷ đồng. Tiền (tiền gửi) và các khoản phải thu ngắn hạn lần lượt tăng 53% và 30%, lên hơn 25 tỷ đồng và gần 106 tỷ đồng. Ngược lại, giá trị hàng tồn kho giảm nhẹ 6%, còn gần 75 tỷ đồng do Công ty tiết giảm nguyên vật liệu tồn kho.
BRC tiếp tục không ghi nhận khoản nợ vay dài hạn nào nhưng dư nợ vay ngắn hạn của Công ty lại tăng 26%, lên gần 43 tỷ đồng. Điều này phần nào khiến tổng nợ phải trả của Công ty tăng 28%, vượt mức 112 tỷ đồng.
Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 7/1, cổ phiếu BRC dừng ở mức 17.000 đồng/cp.