Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các sở, ban, ngành liên quan. Bên cạnh công tác điền dã, thu thập tư liệu, thành phố còn tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế nhằm tham khảo ý kiến xây dựng từ các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước cho hồ sơ ứng cử.
Cùng với việc xây dựng hồ sơ, nhiều kế hoạch được thành phố Hà Nội hoạch định cho việc gìn giữ và phát huy không gian sáng tạo cho thành phố những năm tiếp theo, như: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ… sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục được nâng tầm trong thời gian tới, đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Theo thông kê, Hà Nội là một thành phố có cơ cấu dân số vàng (51,7% dân số trẻ), có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học công nghệ và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố. Lĩnh vực thiết kế của Hà Nội không chỉ có bề dày hình thành và phát triển mà hơn thế còn có sự giao thoa, sáng tạo của nhiều nền văn hóa khác nhau. Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội là một trong những minh chứng thuyết phục nhất. Không chỉ là công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời mà đây còn là kinh thành còn lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, khảo cổ học cũng như giá trị văn hóa… của thành phố Hà Nội. Thành phố Hà Nội cũng đang lưu giữ nhiều công trình kiến trúc có dấu ấn sáng tạo về kiến trúc đa dạng của phong cách phương Tây và phương Đông, của kiến trúc bản địa và văn minh thế giới, chen lẫn giữa kiến trúc cổ điển và đương đại như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Long Biên, cầu Nhật Tân… Sự sáng tạo về kiến trúc của thành phố Hà Nội như một dòng chảy vẫn tiếp tục khơi nhiều mạch nguồn mới...
Bên cạnh Hà Nội, trong dịp này UNESCO đã công nhận thêm 65 thành phố vào Mạng lưới thành phố sáng tạo. Như vậy, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO hiện đã có tổng cộng 246 thành phố trên toàn thế giới. Những thành phố này đều hướng tới một sứ mệnh chung. Đó là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để đưa các thành phố phát triển an toàn, năng động, toàn diện và bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004. Hiện, Mạng lưới này có sự tham gia của hơn 180 thành phố trên thế giới thuộc 72 quốc gia thành viên của UNESCO. Mạng lưới thành phố sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Mạng lưới thành phố sáng tạo có 7 lĩnh vực sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa để xét ghi danh, công nhận các thành phố đạt chuẩn danh hiệu này gồm: Thủ công - Nghệ thuật dân gian; Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn - Media Arts; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học; Âm nhạc.