"5 cửa ô": Khúc ca khải hoàn của người Hà Nội

Những ngày đầu tháng 10, lời bài hát “Tiến về Hà Nội” lại ngân vang trên khắp các nẻo đường thủ đô, nhắc nhớ về ngày lịch sử cách đây 68 năm về trước (10/10/1950 -10/10/2018).
"5 cửa ô": Khúc ca khải hoàn của người Hà Nội

Những đoàn quân như sóng tiến về giải phóng kinh kỳ từ 5 cửa ô, mang theo thông điệp hòa bình sau những ngày “mịt mù bão lửa”. Ca khúc hùng tráng gợi nhớ về hình ảnh tuyệt đẹp - Hà Nội như một đài hoa lớn, 5 cửa ô chính là 5 cánh hoa bao trọn đài hoa ấy, và lấp đầy 5 cánh hoa chính là “khúc khải hoàn ca” vĩ đại của dân tộc.

Thời gian đã trôi qua, dấu ấn 5 cửa ô giờ đây chỉ còn lại một Ô Quan Chưởng đơn côi và già nua nhưng vẫn hiên ngang tựa neo cùng các bước phát triển của Hà Nội, để bảo chứng lớp lớp thế hệ hôm nay, tiếp bước âm hưởng chiến thắng hào hùng, bảo vệ và xây dựng thủ đô xứng tầm thế giới.

21, 15 hay 5?

Ấn tượng hào hùng của 5 cửa ô ngày thủ đô giải phóng đã nhiều năm tháng âm vang trên đất Hà Thành. Qua bài hát của cố nhạc sĩ Văn Cao, ai có lẽ cũng đinh ninh rằng, Hà Nội có 5 cửa ô là thật. Nhưng qua nghiên cứu của các nhà sử học, Hà Nội có nhiều hơn con số 5 cửa ô rất nhiều. Có luồng thông tin cho rằng đời nhà Nguyễn, trong sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX, Hà Nội được bao bọc bởi 21 cửa ô. Từ con số 21 cho tới 5 và nay chỉ còn một Ô Quan Chưởng, có vẻ như thời gian thật tàn nhẫn với thủ đô “rồng thiêng” Thăng Long.

Mặt khác trong những câu ca dao xưa về Hà Nội lại ghi:

“15 ô đúng đường
Yên Ninh, Yên Phụ, Thụy Chương một bề
Tiền Trung, Nghĩa Lập gần kề
Thanh Hà, Ưu Nghĩa, dưới là Đông Yên
Cựu Lâu, Mỹ Lộc, Lương Yên,
Thịnh Yên, Thanh Bảo, Kim Liên, Thịnh Hào”
Đâu là sự thật cho các con số?

Theo GS sử học Lê Văn Lan “Cửa ô như chúng ta đã biết đang có sự hiểu lầm lớn nên cần có sự đính chính. Chúng ta biết chắc thời Lê có 8 cửa ô và là cửa ô kép cho nên là 16. Thời Nguyễn thì còn 15, sau rút xuống 14, rồi rút xuống còn 13 và cuối cùng vẫn còn đến 12 cửa ô”.

Tấm bản đồ “Tỉnh thành Hà Nội” năm 1831 – năm vua Minh Mạng cho thành lập “tỉnh Hà Nội” đã ghi rõ (bằng chữ Hán) vị trí của 16 cửa ô. Dẫn chứng này đồng nhất với ý kiến của GS Lê Văn Lan.

Đến cuối thế kỷ 19, số lượng và vị trí những cửa ô Hà Nội từ năm 1831 đã thay đổi theo hướng giảm thiểu, do tác động “mở mang”, tây hóa Hà Nội cổ của thực dân Pháp. Bài ca dân gian cũng không sai khi kể ra 15 cửa ô còn tồn tại. Đến đầu thế kỷ 20 chỉ còn thấy nhắc đến tên của 5 cửa ô là: ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác và ô Quan Chưởng. Và con số này đã được nhắc tới trong bài hát nổi tiếng của cố nhạc sỹ Văn Cao.

Ô và cửa ô

Vì sao chúng ta lại gọi là cửa ô? Chữ ô ở đây có nghĩa là gì?

Cái “ô” ở đây được lấy trong nghĩa cái ô vuông, vở ô ly, chơi ô ăn quan…

Thời gian đã trôi qua, dấu ấn 5 cửa ô giờ đây chỉ còn lại một Ô Quan Chưởng đơn côi và già nua nhưng vẫn hiên ngang tựa neo cùng các bước phát triển của Hà Nội, để bảo chứng lớp lớp thế hệ hôm nay, tiếp bước âm hưởng chiến thắng hào hùng, bảo vệ và xây dựng thủ đô xứng tầm thế giới.

 “Ô” là từ chỉ một cái khung hình tứ giác nếu không phải là hình vuông. Theo các tư liệu cũ, “cửa ô” chính là cửa xẻ qua tường thành đất ngoài cùng bao bọc lấy kinh thành Thăng Long. Thời đó, mỗi cửa ô đều được xây dựng hình vuông, nên người dân gọi là các cửa ô. Trước đây, cửa ô là nơi được canh phòng cẩn mật, ngày mở, đêm đóng và có rào, có lính tuần đi canh phòng nhằm ngăn ngừa đạo chích, báo động hỏa hoạn.

Thật tiếc khi ngày nay con số 15 hay 16 cửa ô xưa đã gần như xóa sổ trên kinh thành Hà Nội. Địa giới xưa của ô Đống Mác giờ đây còn mang tên phố. Cách Ô Đống Mác không xa là Ô Cầu Dền, nơi giao nhau của các phố Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Phố Huế - và đê Tô Hoàng. Phố Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân chính là dấu tích xưa của thành Đại La. Ô Chợ Dừa nằm ở khoảng ngã tư các con phố La thành – Khâm Thiên – Tôn Đức Thắng và Nguyễn Lương Bằng. Khu vực này gần đây khi mở đường Kim Liên kéo dài đã phát hiện ra dấu tích Đàn Xã Tắc (đàn tế) thời Lý, Trần, Lê.

Cửa ô thứ tư được người Hà Nội nhắc đến nhiều nhất là Ô Cầu Giấy. Có quan điểm cho rằng Ô Cầu Giấy không đồng nhất với vị trí Cầu Giấy ngày nay mà nằm lui lên phía bến xe Kim Mã. Tuy nhiên, nếu sông Tô Lịch xưa được xem là hào ngoài của thành Đại La thì Ô Cầu Giấy nằm trước cửa sông, tức vị trí Cầu Giấy ngày nay mới là hợp lý.

Và cuối cùng là Ô Quan Chưởng – cửa ô duy nhất còn nguyên “hình hài” để minh chứng cho lịch sử, nằm trên địa phận phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ô Quan Chưởng: Cũ – mới song hành

Đi từ xa đã có thể thấy đoạn tường và cổng cửa ô rêu phong cổ kính. Trên cổng còn ghi dòng chữ : “Đông Hà Môn” nghĩa là cửa Đông Hà, nhưng dân gian vẫn gọi đây là Ô Quan Chưởng. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Có lẽ đây là nơi duy nhất còn giữ lại được nét kiến trúc và ở đây vẫn còn một tấm bia thời Nhà Nguyễn thế kỷ 19, trên bia có quy định: việc canh gác phải cẩn mật, nhưng không được gây phiền nhiễu cho dân. Điều này cho thấy cách quản lý, cách hành xử với dân của người xưa”.

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, xưa đây là khu vực “nóng”, vị trí “nhạy cảm” được canh phòng nghiêm ngặt hơn, liên quan tới một ông quan chưởng vệ, được dân tín nhiệm, nên gọi luôn tên cửa ô là ô Quan Chưởng thay vì Ô Đông Hà theo cách gọi chữ.

Ô Quan Chưởng nằm trên Phố Hàng Chiếu – con phố thăng trầm cùng với cửa ô với nhiều tên gọi khác nhau. Phố từng có tên một lái buôn người Pháp rất nhiều quyền lực, kẻ có mặt rất sớm ở Thăng Long để từ đó làm nội gián mở đường cho thực dân bước vào nước ta. Sau vụ hỏa hoạn kinh thành năm 1888, phố được xây dựng lại và đổi tên là phố Mới, rồi chuyển là phố hàng Chiếu vì xưa kia là nơi tập trung buôn bán rất nhiều chiếu cói từ Nam Định, Thái Bình đưa lên.

Thời gian và những cuộc chiến liên miên đã xóa hầu hết bóng dáng của một Kinh Thành xưa với hàng chục cửa ô tấp nập. Giữa phố thị hiện đại, sôi động, Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó như một trang sử mở giữa lòng thủ đô ngàn năm văn hiến. Ô Quan Chưởng đã được công nhận là di tích lịch sử nhưng với người dân Hà Nội, cửa ô còn là cột mốc của thành Thăng Long xưa, là biểu tượng của tinh thần quật cường chống xâm lược, và là một “khúc khải hoàn ca chiến thắng”.

Khải hoàn ca thời bình

"5 cửa ô": Khúc ca khải hoàn của người Hà Nội ảnh 6

Bên cạnh những giá trị lịch sử đó, người Hà Nội hôm nay trân trọng các cửa ô vì tinh thần chiến thắng qua con số 5 ý nghĩa. Xuất phát từ ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho mọi tầng lớp nhân dân, hình tượng hóa Hà Nội thành đóa hoa 5 cánh thơm ngát, 5 cửa ô hùng dũng bước vào nhịp điệu hành quân của bộ đội từ mọi hướng về với trung tâm của Tổ quốc. Tất cả làm nên biểu tượng sức mạnh của không riêng thủ đô Hà Nội mà còn là dân tộc Việt Nam. Xưa kia cha ông đã tiến về Hà Nội để “quét sạch giặc thù”.

Còn hôm nay, lớp lớp kế cận tiếp nối tinh thần ấy vào trong công cuộc dựng xây thủ đô, và xa hơn là một quốc gia hùng cường “sánh vai năm châu” như lời dạy của vị lãnh tụ vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là khúc “khải hoàn ca” thời bình rực cháy nồng nàn trong trái tim mỗi người dân thủ đô, mỗi khi tháng 10 tràn về các khu phố với cờ đỏ sao vàng giăng lối đi.

Xin được dùng lời kết của “khải hoàn ca” năm 1950 để khép lại bài viết, như một lời tri ân và quyết tâm đặc biệt chào mừng ngày giải phóng thủ đô yêu thương:

“Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về
Hà Nội bừng tiến quân ca”.

Bài: Trần Én
Ảnh: Kim Thành

Có thể bạn quan tâm