Những doanh nghiệp khai xuân sàn UpCoM gồm: Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện – CTCP (MCK: EMS); CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (MCK: DSC); CTCP Đầu tư và Xây lắp Thành An 386 (MCK: TA3); CTCP Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn (MCK: QLD); CTCP Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (MCK: SON); CTCP Đầu tư Đức Trung (MCK: DTI); Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam – CTCP (MCK: VIW); CTCP Bia Hà Nội – Nam Định (MCK: BBM); CTCP Gạch Tuy Nen Bình Định (MCK: BTN); CTCP Đo đạc và Khoáng sản (MCK: SUM); CTCP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội (MCK: HAB).
Trong năm 2017, thị trường UPCoM đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô và thanh khoản thị trường, trung bình, khối lượng giao dịch đạt 11,6 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 218 tỷ đồng/phiên, tăng 35% về khối lượng và 71% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng doanh nghiệp trên UpCom là nhờ những hỗ trợ tích cực về mặt chính sách với hàng loạt các quy định pháp lý thúc đẩy doanh nghiệp tham gia UPCoM, đặc biệt Thông tư 115/2016/TT-BTC là một cú hích lớn cho sự phát triển của UPCoM khi gắn hoạt động đấu giá cổ phần hóa với đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Sở HNX đã phối hợp các cơ quan quản lý tổ chức thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp thông qua các hội nghị, hội thảo, các buổi tập huấn cho các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty về chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước gắn với tham gia TTCK. Đồng thời, Sở cũng đã tích cực triển khai đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp sử dụng CIMS để công bố thông tin tự động và giúp các doanh nghiệp UPCoM tiếp cận các hoạt động quản trị công ty.
Sở cũng phối hợp với Bộ Tài chính, UBCK tổ chức các hội nghị công ty đại chúng chưa niêm yết để phổ biến, hướng dẫn các quy định mới liên quan đến niêm yết, đăng ký giao dịch, đặc biệt là việc đăng ký giao dịch của các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Đối với những doanh nghiệp này, việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM rất dễ dàng, nhanh chóng.
Cùng với đó, là kết quả của hàng loạt các giải pháp mà Sở đã triển khai trong những năm gần đây để tăng quy mô, thanh khoản cũng như tăng tính hấp dẫn của thị trường như nới biên độ dao động giá cổ phiếu trên UPCoM lên ±15%, thay đổi cách tính UPCoM Index, phân bảng UPCoM Premium và bảng Cảnh báo nhà đầu tư.
Đặc biệt, trong năm 2017, Sở GDCK Hà Nội đã ban hành bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo quy mô vốn chủ sở hữu cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân loại và quản lý một lượng lớn hàng hóa đã và sẽ tham gia sàn UPCoM trong thời gian tới. Đồng thời, Sở cũng tăng cường giám sát việc công bố thông tin của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô vốn lớn và triển khai cơ chế tạo lập thị trường cho các cổ phiếu giao dịch trên UPCoM...
Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để nâng cao tính minh bạch cho thị trường UPCoM, nhằm cải thiện hơn nữa thanh khoản trên sàn này. Theo đó, HNX đang nghiên cứu áp dụng chương trình đánh giá CBTT minh bạch cho các doanh nghiệp trên UPCoM nhằm tăng cường chất lượng CBTT của các doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Các hoạt động QTCT cũng sẽ được áp dụng với nhóm các doanh nghiệp đăng ký giao dịch quy mô vốn lớn. Đồng thời, để tăng sức hấp dẫn cho thị trường này, Sở tiếp tục thúc đẩy triển khai các hoạt động tạo lập thị trường, nghiên cứu xây dựng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up)…