VAFI kiến nghị bán một lần toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamilk
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, đẩy mạnh bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn 2016 – 2020 là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm trần nợ công, giảm bội chi ngân sách đồng thời tạo thêm nguồn vốn đầu tư vào các dự án lớn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
Bởi ông Hải cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trần nợ công vẫn tăng lên, để đạt mục tiêu kiểm soát trần nợ công, tiến tới giảm mạnh trần nợ công thì cần nhiều giải pháp cơ bản như: Tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để kích thích phát triển kinh tế tăng thu ngân sách nhà nước; D
ư địa cho việc cắt giảm chi tiêu ngân sách còn rất nhiều, cần hoạch định nhiều giải pháp để cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, những khoản chi tiêu lãng phí, tuy nhiên không thể ngay lập tức mà thực hiện ngay tiến trình này trong khi chưa có nhiều giải pháp cắt giảm; Đồng thời, để giảm nhanh bội chi ngân sách nhà nước, có thêm nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, phải cần tới giải pháp bán mạnh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả;
Theo ước tính của VAFI, nếu thực hiện quyết liệt, ngân sách nhà nước có thêm từ 30 - 40 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2020. Nếu như chỉ bản cổ phần nhà nước ở Vinamilk tương ứng tỷ lệ 9%/VĐL, số tiền thu được khoảng trên 800 triệu USD sẽ không giải quyết được các mục tiêu kiểm soát trần nợ công và có thêm nguồn vốn cho các dự án của nhà nước; VAFI còn cho rằng, Bộ GTVT đã đề xuất dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam cần tới 5 tỷ USD vốn ngân sách nhà nước nhưng Bộ Tài chính chưa có câu trả lời về nguồn vốn có thu xếp được hay không? Cho nên việc bán toàn bộ lô cổ phần nhà nước tại Vinamilk sẽ thu được hơn 5 tỷ USD và sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên.
Mặt khác, do yêu cầu cần kiểm soát trần nợ công thì Chính phủ khó có thể duy trì tỷ lệ cổ phần tại Vinamilk trong thời gian dài được và quá trình thoái vốn chỉ diễn ra không quá 2 năm, cho nên phương án bán Vinamilk thành nhiều đợt trong thời gian ngắn sẽ không mang lại giá bán cao nhất.
Bên cạnh đó, VAFI còn cho rằng, cần thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào tiến trình bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp lớn để đạt được mục tiêu ngân sách nhà nước thu thêm từ 30 - 40 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2020. Theo phân tích của VAFI, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực, qui mô vốn của các nhà đầu tư tài chính trong nước và nước ngoài đang tham gia vào thị trường cũng còn nhỏ bé, trong 2 năm qua, chỉ có vài quỹ đầu tư nước ngoài huy động thêm vốn với qui mô từ 100 triệu – 200 triệu USD cho 1 quỹ, việc huy động thêm nhiều vốn là không hề đơn giản.
Hơn nữa, đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa DNNN sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư gián tiếp nhưng cũng không thể nhiều đến mức để có thể hấp thụ được việc mua cổ phần với số lượng vài chục tỷ USD. Vì vậy, theo VAFI, cần phải mở ra kênh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa. Quan điểm của VAFI là thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (FDI) sẽ làm cho chất lượng cổ đông tốt hơn vì họ đem vốn và công nghệ, thị trường đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đặc biệt, VAFI cho rằng, việc chỉ bán 9%/vốn điều lệ Vinamilk là tín hiệu đóng cửa với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Bởi Vinamilk và các doanh nghiệp khác đều tiến hành bán cổ phần thành nhiều đợt thì các nhà đầu tư chiến lược sẽ không tham gia. Hoặc nếu có tham gia chỉ với tư cách nhà đầu tư tài chính và họ chỉ mua cổ phần với giá mua thấp; tiến trình cổ phần hóa sẽ trở nên chậm chạp.
Do đó, VAFI kiến nghị Bộ Tài chính và SCIC nên đặt yêu cầu với liên danh tư vấn là đưa ra phương án bán cổ phần với giá cao nhất chứ không nên đưa ra phương án bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk thành nhiều đợt rồi đề nghị liên danh tư vấn theo phương án đó.
Theo VOV NEWS