Cũng theo ông Thắng, VAMC đã mua 281 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) với 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, đạt gần 100% kế hoạch được NHNN giao, còn con số nợ xấu được xử lý thu hồi tạm tính là 47.515 tỷ đồng, đạt 95,03% kế hoạch.
Lũy kế từ khi thành lập đến cuối năm 2020, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB với tổng dư nợ gốc nội bảng là 374.622 tỷ đồng, xử lý thu hồi nợ đạt 167.019 tỷ đồng. Kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm 63% tổng số thu hồi nợ lũy kế.
Vừa qua, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị VAMC bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cần tăng cường hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được phê duyệt, trong đó có việc sớm đưa Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động.
Việc thành lập sàn giao dịch nợ xấu không phải là ý tưởng mới. Thị trường mua bán nợ đã được các bên kỳ vọng sớm được thiết lập, từ ngân hàng, nhà đầu tư và đơn vị xử lý nợ xấu. Hiện số lượng đơn vị tham gia mua bán nợ còn hạn chế, chủ yếu là công ty xử lý nợ của các ngân hàng thương mại (AMC), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) và VAMC.
Hiện các giao dịch mua bán nợ trên thị trường thứ cấp còn nhiều hạn chế vì chưa có sàn giao dịch chuyên nghiệp, giúp các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư chia sẻ thông tin minh bạch và thực hiện giao dịch.
Cũng theo Phó Thống đóc Nguyễn Kim Anh, các văn bản đang hỗ trợ hoạt động cho VAMC bao gồm Nghị quyết 42, Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 và hướng tới năm 2022; và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN.
Theo Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, VAMC trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Trong đó, trong giai đoạn 2021-2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ. Đồng thời, VAMC xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản, hướng tới việc triển khai kết nối thông tin với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và các tổ chức tín dụng nếu đủ điều kiện, nhằm tạo nguồn dữ liệu khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản.