Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, hầu hết (98%) các doanh nghiệp tiên phong với nền văn hóa đổi mới tiên tiến nhất đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường; những doanh nghiệp này vững vàng hơn trước các cuộc khủng hoảng và có khả năng phục hồi nhanh hơn. Trong đó, gần một nửa trong nhóm doanh nghiệp này tin rằng họ sẽ phục hồi sau đại dịch trong vòng sáu tháng hoặc ít hơn. Trên thực tế, số doanh nghiệp tiên phong dự kiến sẽ tăng doanh thu nhiều hơn 50% so với các doanh nghiệp còn lại được khảo sát, và 1 trên 3 doanh nghiệp tiên phong dự kiến tăng thị phần bất chấp khủng hoảng.
Bà Sandra Ng - Phó Chủ tịch, Practice Group, IDC Châu Á Thái Bình Dương giải thích: “Các doanh nghiệp trên khắp Châu Á Thái Bình Dương đã hiểu được tầm quan trọng của khả năng đổi mới trong việc thúc đẩy hiệu suất và khả năng chống chịu trong thời kỳ khủng hoảng. Họ cũng nhận thấy nhu cầu cần phải đổi mới và tăng tốc chuyển đổi để đáp ứng với những thách thức và điều kiện thị trường mới. Và họ nhận ra đổi mới không khó như họ nghĩ. Gần một nửa (48%) doanh nghiệp trong khu vực được khảo sát ở thời điểm hiện tại chia sẻ rằng họ thấy việc thúc đẩy đổi mới dễ dàng hơn. Trong khi đó tại cuộc khảo sát trước khi COVID-19 xuất hiện, chỉ có một phần tư (27%) trong số đó cảm thấy như vậy.”
Những phát hiện này được Microsoft công bố trong nghiên cứu mới nhất thực hiện cùng IDC Châu Á Thái Bình Dương. Nghiên cứu này khảo sát 3.312 người giữ vai trò ra quyết định kinh doanh và 3.495 người lao động tại 15 thị trường ở Châu Á Thái Bình Dương trong vòng sáu tháng, trước và kể từ khi COVID-19 bùng phát. Nghiên cứu với tiêu đề “Văn hóa đổi mới: Nền tảng cho khả năng chống chịu của doanh nghiệp và khả năng phục hồi nền kinh tế ở Châu Á Thái Bình Dương” đã chỉ ra cách các doanh nghiệp có thể tăng cường khả năng phục hồi và hiệu suất kinh doanh thông qua đổi mới.
Nghiên cứu cũng giới thiệu khung văn hóa đổi mới, bao gồm các khía cạnh con người, quy trình, dữ liệu và công nghệ, để đánh giá cách tiếp cận đổi mới của các doanh nghiệp. Ngoài ra, qua nghiên cứu này, các doanh nghiệp cũng được cung cấp hướng dẫn để tiến tới giai đoạn trưởng thành trong chuyển đổi và cách phản ứng với các thách thức để phục hồi nhanh hơn, từ đó cải thiện hiệu suất.
Thông qua nghiên cứu, hiệu suất của các doanh nghiệp được sơ đồ hóa dựa trên bốn khía cạnh (con người, quy trình, dữ liệu và công nghệ), và các doanh nghiệp được nhóm vào 4 giai đoạn – theo chủ nghĩa truyền thống (giai đoạn 1), mới làm quen (giai đoạn 2), ứng dụng (giai đoạn 3) và tiên phong (giai đoạn 4). Nhóm tiên phong bao gồm các doanh nghiệp đạt đến độ hoàn thiện trong xây dựng văn hóa đổi mới.
Nghiên cứu cho thấy trong vòng sáu tháng, mức độ trưởng thành trong văn hóa đổi mới của các doanh nghiệp ở Châu Á Thái Bình Dương đã tăng 11%. Con số này cho thấy các doanh nghiệp đã tăng khả năng đổi mới của mình.
Dựa trên khung văn hóa đổi mới, nghiên cứu đã tiết lộ những cách làm hiệu quả nhất mà các tổ chức có thể áp dụng trên các lĩnh vực: con người, quy trình, dữ liệu và công nghệ…
Ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam kết luận: “Để thành công trong trạng thái bình thường mới và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, chúng ta không chỉ cần có một nền tảng kỹ thuật số vững chắc mà còn cần đảm bảo con người có các kỹ năng và công cụ để làm việc cùng nhau và thúc đẩy đổi mới đột phá. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo một tương lai bền vững và toàn diện hơn cho tất cả doanh nghiệp. Tại Microsoft, chúng tôi cam kết hợp tác với các doanh nghiệp Châu Á Thái Bình Dương để cùng nhau hiện thức hóa điều này”.