Vay tiền đầu tư bất động sản bao nhiêu là hợp lý?

Nhiều nhà đầu tư đã sử dụng đòn bẩy trong thời gian vừa qua, điều này rất nguy hiểm, có thể mất khả năng thanh toán. Do vậy, việc sử dụng đòn bẩy phải hết sức cân nhắc và có những tiêu chí rất cụ thể, chứ không đầu tư theo đám đông.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, trong hoạt động kinh doanh, đã đầu tư là có rủi ro. Không có hoạt động đầu tư nào không có rủi ro cả. Chính vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu và kiểm soát, chứ không phải vì rủi ro mà không đầu tư.

“Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên biết mình - biết người. Biết mình là phải xác định mình thuộc nhóm nhà đầu tư nào: e ngại rủi ro, trung dung hay thích mạo hiểm”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Đối với tiêu chí đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng, TS. Lực khuyên nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ pháp lý có ổn không, quy hoạch, hạ tầng - an ninh - cảnh quan như thế nào, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thì môi trường sống và cảnh quan cũng rất quan trọng. Một yếu tố nữa là chủ đầu tư, những chủ đầu tư đứng đắn, làm ăn nghiêm túc sẽ đỡ rủi ro hơn rất nhiều.

Thanh khoản bất động sản rất quan trọng, tiếp theo là đòn bẩy tài chính. Cuối cùng, đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng là khoản đầu tư trung và dài hạn, đầu tư lướt sóng sẽ rủi ro trong năm 2022.

Liên quan đến xu hướng tín dụng cho bất động sản và dùng đòn bẩy bao nhiêu là hợp lý, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các tổ chức tín dụng, kể cả các công ty tài chính tiêu dùng vẫn sẽ tập trung tín dụng vào phân khúc ngân hàng bán lẻ và chiến lược chuyển đổi số trong thời gian tới. Đây là xu thế quan trọng và ngành tài chính ngân hàng đang đi trước trong vấn đề này. 

Chuyên gia cho rằng cần hết sức cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản và không nên chạy theo đám đông. (Ảnh: Int)
Chuyên gia cho rằng cần hết sức cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản và không nên chạy theo đám đông. (Ảnh: Int)

Bên cạnh đó, xu hướng ngân hàng vẫn tiếp cho vay mua nhà, bởi vì đây vẫn là chính sách được nhà nước khuyến khích và cũng là nhu cầu thực tiễn.

“Năm tới, Việt Nam sẽ bắt đầu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có một số gói tài chính liên quan đến bất động sản nhà ở. Chắc chắn các tổ chức tín dụng sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để triển khai những chương trình đó”, TS. nhấn mạnh.

Đồng thời, xu hướng vẫn tiếp tục kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp - kênh mà Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tương đối chặt trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục cho năm 2022.

Về việc sử dụng vốn vay để đầu tư, TS. Lực chia sẻ, lãi suất ngân hàng hiện nay tương đối thấp. Nhiều nhà đầu tư đã sử dụng đòn bẩy trong thời gian vừa qua, chủ yếu xoay quanh mức 30-50%. Nếu chúng ta sử dụng nhiều đến 60-70% thì bản thân các tổ chức tín dụng cũng khá dặt dè khi cho vay.

Hơn nữa, nếu thị trường chứng khoán hoặc bất động sản biến động thì sẽ có rủi ro rất lớn, gọi là "rủi ro kép" với nhà đầu tư. Điều này rất nguy hiểm, có thể mất khả năng thanh toán.

“Nếu muốn đầu tư bất động sản, chúng ta phải có những tiêu chí rất cụ thể chứ đừng đầu tư theo đám đông sẽ rất nguy hiểm”.

Có thể bạn quan tâm