Về Đường Lâm lắng nghe nhịp thời gian

Đến Đường Lâm là đến với không gian đậm đặc đầy chất sử thi, mỗi bước chân nơi đây là mỗi nhắc nhở về tinh thần bất khuất và tự hào người Việt.

Tôi về Đường Lâm lần đầu tiên theo lời rủ rê của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cách đây có tới gần chục năm. Lúc ấy ham chạy ào ào chụp ảnh cho đủ các địa danh nổi tiếng – nào cổng làng với cây đa hơn 300 tuổi với bến nước rồi đình làng Mông Phụ, đền thờ hai vua, giếng cổ, điếm canh, nhà thờ, chùa Mía, nhà cổ, rặng duối nghìn tuổi...

Lần này về, bước chân tôi trên đường làng chậm hơn, những bức tường đá ong độc đáo như những con mắt nhìn không chớp, chén nước chè xanh vàng sánh đậm đà với thanh chè lam ngọt thơm của cô hàng kẹo vừa dẻo tay xắt như níu lấy... Tôi thấy lòng mình lắng lại. Nhịp thời gian dường như ngưng lại đâu đây...

Nắng vàng ấm phủ tràn trên cây sở tưng bừng hoa trắng trước đền Ngô Vương. Không gian yên tĩnh trong veo. Cúi lạy trước tượng Ngài, tôi nhớ về thuở oai hùng Bạch Đằng cọc gỗ với trận địa ngầm đánh tan quân Nam Hán – mở ra thời đại mới độc lập cho dân tộc Quốc thái, dân an là khát vọng ngàn đời của mỗi người con dân đất Việt. Người xưa như còn đây, chí lớn vẫn như tỏa ra từ những gốc duối cổ thụ buộc voi trận năm nào. Đâu đây như còn tiếng hò reo của nghĩa quân Phùng Hưng bủa vây bốn mặt thành Tống Bình (Hà Nội) khiến tướng giặc Cao Chính Bình đem 4 vạn quân ra nghênh chiến bị thua đau, lo sợ quá phát bệnh mà chết. Ngô Quyền, Phùng Hưng và những người anh hùng dân tộc Có một “miếu thờ” trong lòng nhân dân từ đời này sang đời khác.

Đến Đường Lâm là đến với không gian đậm đặc đầy chất sử thi, mỗi bước chân nơi đây là mỗi nhắc nhở về tinh thần bất khuất và tự hào người Việt. Câu đối tràn đầy khí phách trước vua tôi nhà Minh của thám hoa Giang văn Minh “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng thuở trước máu còn loang) và chuyến đi sứ đầy bi hùng của ông lưu truyền mãi mãi về sau. Tôi đứng trước ngôi đền thờ ông, lòng đầy cảm hoài. Sự bẽ bàng xấu hổ và tức giận của vua nhà Minh khi mổ bụng Giang Văn Minh “xem sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”, sau đó lại khen ông là người tiết tháo, cho ướp xác ông đưa về nước. Cả vua Lê, Chúa Trịnh về quê dự lễ an táng ông và Vua Lê than rằng “đi sứ không trái mệnh vua, không để nhục nước, xứng đáng là anh hùng thiên cổ”. Tôi đứng trước ngôi đền thờ ông, lòng đầy cảm hoài.

Nhà văn Y Ban, nhà văn Hà Nguyên Huyến (ngồi giữa) và nhà văn Đỗ Doãn Quát 

Ông từ giữ đền của Ngô Vương là Kiều Văn Lương (mạnh bái chủ tế của các đại lễ đền Ngô Vương, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Đức Thánh Tản Viên) kể với chúng tôi rằng ông luôn cảm thấy Các Ngài như hồn núi hồn sông vẫn linh ứng mỗi khi làng có việc. Nhà văn Đỗ Doãn Quát (bố của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và Đỗ Doãn Phương) cho biết - ở Đường Lâm chọn ông từ giữ đền Ngài cẩn thận lắm. Phải là người đạo đức tốt không tì vết vợ chồng song toàn, con cái ngoan ngoãn thành đạt... Phải có cái tâm thanh sạch mới được kề cận hương khói cho các Ngài.

Ông Quát bảo mỗi dịp lễ hội ở Đường Lâm con cháu và người thập phương về đông lắm. Ngày thường dân du lịch cũng dập dìu. Nhưng mà – ông trăn trở - người đi chơi như cưỡi ngựa xem hoa, còn để hiểu sâu xa con người và lịch sử văn hóa nơi đây thì chưa nhiều. Phải chăng cần có những “tua” riêng về lịch sử để hấp dẫn du khách... Những mái đền cổ, những căn nhà cổ rồi sẽ bị năm tháng làm hư hại, những phong tục lễ nghĩa và nét văn hóa xưa bị cuộc sống hiện đại, sự giao lưu toàn cầu... xâm lấn làm mai một. Sẽ còn gì của Đường Lâm? còn gì của những làng xã Việt xưa? Phải chăng rồi cũng phải chấp nhận rằng có những vẻ đẹp sẽ dần dần biến mất, nhường chỗ cho những vẻ đẹp khác? Lang thang trên con đường, ngõ xóm Đường Lâm, câu chuyện của tôi và ông Quát cứ lan man như thế. Ông Quát cũng là một “nhân vật” của Đường Lâm. Nhà ông là nơi mà giới văn chương báo chí hay tụ hội. Ông Quát và vợ điển hình cho tính cách của người Việt quê – chân thành mến khách. Về Đường Lâm cứ nói vào thăm nhà của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thì ai cũng biết. Mà chả cứ ở Đường Lâm, Đỗ Doãn Hoàng nổi tiếng là một cây bút sắc sảo đấu tranh chống tiêu cực trên cả nước.

Tôi không tả hết được cảm xúc của mình khi từ con ngõ nhỏ với những bức tường đá ong, những cánh cổng gỗ mà “khuy cài” bên ngoài, bước vào vuông sân đầy chật những chum tương của gia đình nhà văn Hà Nguyên Huyến. Ùa vào lồng ngực là ngọn gió của ký ức cuốn tôi trở lại những năm tháng chân trần sơ tán về quê bao nhiêu năm trước... Một vũng bèo tây, cây bưởi đầu hồi, chậu cúc mốc lá xám bạc ánh lên những vết chạm thời gian. Ngôi nhà truyền thống một tầng mái dốc có ban thờ ở giữa... Nguồn cội là đây. Như một ký ức được gìn giữ nguyên vẹn. Tổ tiên ông bà vẫn như thấp thoáng đâu đây trong nếp nhà…

“Tôi tự hào về căn nhà tổ tiên để lại. Đây là bảo tàng sống của cư dân đồng bằng lúa nước... Căn nhà của các cụ đến tôi là đờì thứ mười ba, con trai tôi đời thứ mười bốn...Nghề làm tương gia truyền giúp chúng tôi duy trì cuộc sống, nuôi con cái ăn học, mua nhà ở Hà Đông... Mấy năm trước mỗi tháng cao điểm nhà tôi bán 7- 8.000 lít tương…” Nhà văn, cử nhân triết học đưa chúng tôi vào miền ký ức, vào những câu chuyện cuộc đời đầy hoài niệm, thấm đẫm cảm xúc.

Tôi biết nhà anh Huyến liên kết với các công ty lữ hành đón khách làm du lịch... rất tốt. Cũng biết anh với tâm thức của một nhà văn đầy tự trọng nhớ lời mẹ dặn từ ngày nhỏ “phải tự tay mình làm lấy mà ăn. Có chết đói trong nhà cũng không ra nhận phần phát chẩn...”. Chính vì vậy khi nhà nước trợ cấp tu tạo gìn giữ cho các nhà cổ của Đường Lâm, gia đình anh không nhận.

Anh say sưa chia sẻ những suy tư trăn trở của mình về một hướng đi cho quê hương, nơi người nông dân bao đời nay chỉ biết gắn với đất đai “Tại sao không hướng đến làm nông nghiệp sạch, vừa bảo tồn được bản sắc, vừa cung cấp được những sản phẩm mà xã hội đang cần?” Ánh nắng buổi chiều rọi qua hàng... gỗ khiến cô bạn nhà văn Kim Hiền ở Nga về chớp được bức hình thật đẹp. “Ngày bé tôi chơi dưới căn nhà ngang kia. Mẹ hẹn nắng chiếu đến nửa già bức tường thì nấu cơm đợi mẹ. Có lần nắng quá sân rồi mà mẹ vẫn chưa về, cứ thổn thức chờ... Rồi một chiều muộn tôi từ cơ quan về đến đầu làng. Chả hiểu sao hôm ấy đường làng vắng tanh, tôi nghe mỗi bước chân mình đi trong ngõ. Thấy thời gian như ngưng đọng lại, quá khứ và hiện tại cùng giao hòa. Chợt có tiếng chuông của đồng hồ nhà mình vọng ra... mới giật mình... tỉnh thức” Giọng anh Huyến thật ấm trong chiều đông.

Anh kể có một người đàn ông nghèo trong làng hay say sưa rượu chè nhưng hay ra trước tượng chúa cầu nguyện... Năm nay con ông ấy vừa thi đỗ công chức... Mong rằng sự may mắn công bằng như thế đến được với mỗi người trong năm mới.

Tôi mừng với niềm hy vọng của anh và hiểu rõ một điều rằng ở mảnh đất lịch sử của “hai vua” với những căn nhà cổ, những giá trị tinh thần được gìn giữ bởi mỗi con người nơi đây. Từ ông từ giữ đền, chị bán kẹo, nhà văn Đỗ Doãn Quát cùng những người con nổi tiếng của ông, nhà văn Hà Nguyên Huyến và tất cả những người con Đường Lâm bình dị khác, mỗi người đều có chất “Đường Lâm” trong mình. Chỉ có con người mới neo giữ được thời gian.   

Thùy Dương

Có thể bạn quan tâm