Báo cáo từ Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, mặc dù, năm 2018 chứng kiến sự phục hồi thiếu đồng đều, chắc chắn của kinh tế thế giới. Trong khi Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, các nền kinh tế phát triển khác và các quốc gia mới nổi đều có những vấn đề của riêng mình.
Bên cạnh sự phân hóa tăng trưởng giữa các nước, tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ ở Mỹ và châu Âu cũng là sự kiện đáng chú ý khác của năm 2018. Cuối cùng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được kích hoạt, đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, những mục tiêu cho năm 2019 mà Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 69/2018/QH14 về các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội là hoàn toàn có thể đạt được.
Thậm chí, chỉ tiêu về tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt qua trong bối cảnh Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ.
Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách dự báo, tăng trưởng năm 2019 đạt 6,9%. Trong đó, quý I tăng trưởng 6,61% lạm phát 3,25%, quý II tăng trưởng 6,72%, lạm phát 3,72%; quý III tăng trưởng 7,01%, làm phát 3,10; quý IV tăng trưởng 7,12%, l lạm phát 4,28%.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách, động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 dựa trên nền tảng từ các năm trước là chu kỳ kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục cũng như những nỗ lực từ khu vực doanh nghiệp và sự cải cách của Chính phủ cũng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế".
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất, đặc biệt là sự dịch chuyển của các nhà đầu tư và thương mại.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ đạt được sự tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng khu vực xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế Trung Quốc đi xuống và xu hướng phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước.
Đồng thời, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.