Theo Investopedia, “cổ phiếu cơ bản” (hay “blue chip”) là cổ phiếu của các công ty đầu ngành cung cấp các sản phẩm hay dịch vụ chất lượng, được quản trị tốt, và có tình hình tài chính lành mạnh. Đặc biệt, các công ty này có khả năng chịu được các biến động tiêu cực của chu kỳ kinh tế để có thể duy trì lợi nhuận và tăng trưởng ổn định.
Với những tính chất tốt đẹp như thế, có lý do gì mà một vài “cổ phiếu cơ bản” có thể mất đi 20%- 30% thị giá chỉ trong vài tuần với chuỗi giảm liên tiếp, mà thậm chí là giảm sàn? Lý do rất đơn giản là “cổ phiếu cơ bản” vẫn hoàn toàn có thể bị định giá quá cao bởi thị trường.
Vào những năm 1970, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã từng chứng kiến làn sóng đầu tư vào cổ phiếu của các công ty nổi tiếng như Sony, HP (công nghệ phần cứng), McDonald’s (thức ăn nhanh), hay Walt Disney (giải trí), với suy nghĩ rằng không có gì thận trọng hơn là bỏ tiền vào các “cỗ máy in tiền” như thế và bình thản chờ ngày gặt hái lợi nhuận. Trào lưu này đã trực tiếp đẩy thị giá cổ phiếu của các công ty này lên quá cao so với giá trị thực sự.
Vào năm 1972, tỷ số P/E cơ bản (thị giá chia cho lợi nhuận bình quân của mỗi cổ phiếu) của Sony là 92, của HP là 65, của McDonald’s là 83, hay của Walt Disney là 75. Đồng nghĩa là nếu không có gì đột biến, phải mất đến gần cả thế kỷ thì các công ty này mới có thể tạo ra lợi nhuận bằng với thị giá mỗi cổ phiếu mà nhà đầu tư đã bỏ ra.
Bong bóng ngày một to dần. Khi mà phần lớn nhà đầu tư bắt đầu nhận ra là không có công ty đầu ngành nào có thể tăng trưởng đủ nhanh để tương xứng với tỷ số P/E ngất ngưỡng như vậy thì mọi chuyện đã muộn. Thị giá cổ phiếu bắt đầu giảm không phanh, và đến năm 1980, tỷ số P/E cơ bản nhìn chung của các công ty này chỉ còn ở mức trên dưới 10.
Tại Việt Nam hiện nay, tình hình hoàn toàn không ở mức đáng lo ngại như thế. Tỷ số P/E của các “cổ phiếu cơ bản” tuy đã cao hơn so với vài năm về trước, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy vậy, thực sự mà nói, những “cổ phiếu cơ bản” giảm sâu trong thời gian vừa qua đã bộc lộ những tín hiệu tiêu cực trước đó như doanh thu giảm do cạnh tranh, giá nguyên liệu đầu vào tăng, hay tốc độ tăng trưởng đã chậm lại nhưng các nhà đầu tư, bằng lý do này hay lý lẽ khác, đã bỏ qua hoặc đã duy trì suy nghĩ chủ quan về công ty mà họ đã đặt niềm tin vào.
Khi phân tích, nhà đầu tư hay có suy nghĩ rằng “tôi sẽ mua cổ phiếu Z vì đó là cổ phiếu tốt”, và khi thực hiện mua, họ dễ dàng bị đánh lừa rằng “tôi sẽ mua cổ phiếu Z bằng mọi giá vì đó là cổ phiếu tốt”. Đó thực sự là một sai lầm vì dù cổ phiếu Z có tốt đến đâu, nếu mua ở mức giá cao phi lý thì đó vẫn là khoản đầu tư xấu, và vấn đề chỉ là thời gian.
Thị trường chứng khoán có thể được xem như là một cuộc thi bình chọn cổ phiếu của các nhà đầu tư. Khi mà một “cổ phiếu cơ bản” dần mất đi các lợi thế ban đầu, không thể lôi kéo các nhà đầu tư hâm mộ mới nữa thì thị giá sẽ không còn tăng nữa. Và khi thị giá không còn tăng nữa, một số nhà đầu tư hâm mộ hiện tại với áp lực đòn bẩy cũng sẽ phải ra đi, kéo theo thị giá giảm đột ngột và nhanh chóng như thị trường đã chứng kiến thời gian qua.
Như vậy, nếu “cổ phiếu cơ bản” cũng có rủi ro như đã nêu thì bản thân nhà đầu tư có thể làm gì để phòng ngừa hay giảm thiểu?
Thứ nhất, nhà đầu tư cần phải duy trì suy nghĩ hết sức khách quan về công ty mà mình quan tâm. Qua thời gian, thị giá cổ phiếu luôn trở về với giá trị thực của nó, nên suy nghĩ khách quan trước vô vàn thông tin về công ty sẽ giúp nhà đầu tư thấy trước cơ hội tăng giá (từ thông tin tích cực) hay rủi ro giảm giá (từ thông tin tiêu cực) của cổ phiếu.
Thứ hai, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu rõ là công ty mình quan tâm có những hành động nào để phòng ngừa các rủi ro trong kinh doanh hay không. Công ty A có ký các hợp đồng xuất khẩu hay khách hàng mới để duy trì doanh thu trong trường hợp bị cạnh tranh trong nước hay không? Công ty B có mua các hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến hay không? Công ty C có tham gia các hợp đồng bảo hiểm cháy nổ hay thiên tai cho các nhà máy chính hay không?
Thứ ba, và quan trọng nhất, nhà đầu tư cần phải xây dựng thói quen xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu mình quan tâm, so sánh với thị giá hiện tại, và đánh giá sơ lược tiềm năng của khoản đầu tư. Việc xác định giá trị hợp lý này là không đơn giản, nhưng nhà đầu tư có thể bắt đầu bằng lối suy nghĩ như “nếu năm nay công ty Z không còn các lợi thế như năm trước nữa thì có nên mua với thị giá cao hơn năm trước hay không?”, hoặc là “nếu năm nay công ty Z chủ động giảm tỷ lệ cổ tức, trong khi tình hình kinh doanh không có đột biến thì thị giá hợp lý là bao nhiêu?”
Hãy luôn ghi nhớ: Thành công trên thị trường chứng khoán không phải nằm ở việc cổ phiếu được mua có tốt hay không, mà nằm ở việc giá mua cổ phiếu ấy tốt như thế nào.
Theo Trí thức trẻ
>> TS Nguyễn Trí Hiếu: Hãy thận trọng khi thị trường chứng khoán khởi sắc