Bộ Công Thương đưa ra giải pháp bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh thương mại điện tử

Theo dự báo của Google và Temasek, nền kinh tế internet của Đông Nam Á có thể vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025; trong đó Việt Nam sẽ đóng góp trên 33 tỷ USD.
Bộ Công Thương đưa ra giải pháp bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh thương mại điện tử

Bộ Công Thương đã khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử” tại địa chỉ online.gov.vn và Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2.

Đây là Cổng dịch vụ công mức độ 4 giúp kết nối, chia sẻ dữ liệu và phối hợp giám sát thực thi cũng như hỗ trợ giải quyết phản ánh, khiếu nại của các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các Sở Công Thương…

Thương mại điện tử ở Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 8.06 tỷ USD.

Bên cạnh những mặt tích cực thì kênh thương mại điện tử cũng là nơi tiêu thụ các sản phẩm gian lận thương mại nhiều nhất; trong đó, rất nhiều hàng lậu, hàng giả, thậm chí có cả hàng cấm.

Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử sẽ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như giúp doanh nghiệp có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu.

Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ có kế hoạch cao điểm để kiểm tra quyết liệt hơn và và trọng tâm là các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngăn ngừa các hành vi vi phạm nhất là trong môi trường mạng internet.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 52 về quản lý thương mại điện tử năm 2013.

Song song với việc triển khai Hệ thống hỗ trợ công tác quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử, ngày 18/4/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ ký cam kết lần thứ nhất với sự tham gia của 5 sàn: Adayroi.com, Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Tiki.vn đã có những kết quả tích cực và góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.

Tiếp nối tinh thần đó, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2 có sự tham gia của 10 doanh nghiệp thuộc 2 nhóm chính.

Các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi bán lẻ bao gồm Thegioididong.com, Fptshop.com.vn, Hc.com.vn, Mediamart.vn và Pico.vn. Các doanh nghiệp vận hành sàn thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử bao gồm Rongbay.com/Enbac.vn, Vatgia.com, Fado.vn, Joolux.com và Sapo.vn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm