Phiên họp Chính phủ chiều 31/3 đã thảo luận về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói việc triển khai nghị quyết 120 về ĐBSCL đã đạt kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn mặn tại khu vực này ngày càng khắc nghiệt. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết là cấp bách, rất khó khăn, cần có nguồn lực, nguồn vốn với các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc việc vay nguồn vốn quốc tế khoảng 2 tỷ USD (của WB, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển ĐBSCL. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao sớm hoàn thiện quy hoạch; phối hợp với đơn vị liên quan tách các dự án đầu tư cụ thể, dự án nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương thì cấp phát 100%, dự án thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định 97 về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương khó khăn, trong đó có các tỉnh ĐBSCL.
Giữa tháng 3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho khu vực này; đẩy nhanh việc triển khai và thực hiện các dự án đã được quy hoạch; phát triển cả hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt.
Nghị quyết 120 của Chính phủ ban hành năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đặt tầm nhìn đến năm 2050, khu vực này trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 80%; độ che phủ rừng đạt hơn 9%.