Việt Nam và Trung Quốc hợp tác thúc đẩy hành lang kinh tế 5 tỉnh

Sáng 13/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị “Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X”…

z4875581714625_afcec50ee60282c98dd8198a30fb2df9.jpg
Toàn cảnh hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh

Chủ đề của hội nghị là “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”. Hội nghị hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương, đề ra các nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của các bên.

5 VIỆC CẦN LÀM

Thời gian qua, với nỗ lực chung to lớn của cả hai bên, quan hệ Việt Nam–Trung Quốc tiếp tục phát triển tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hợp tác trên tất cả các lĩnh vực không ngừng được thúc đẩy và đi vào chiều sâu.

Việt Nam nhất quán xác định hợp tác hữu nghị giữa các địa phương hai nước là bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Với đặc trưng gần gũi về địa lý, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã hình thành và phát triển một cách tự nhiên trên nền tảng tình hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai bên.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thời gian tới, dù hai bên còn nhiều việc phải làm, có những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Song ông Quang tin tưởng rằng, 2 bên đã có cơ sở vững chắc và đang đứng trước những cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong hành lang kinh tế 5 tỉnh thành phố Việt - Trung, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên.

z4875581029298_c7807f9c5eb2b68251a21490e96acd78.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đã nêu một số ý kiến thúc đẩy phát triển của 2 nước và hành lang 5 tỉnh. Thứ nhất, các địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, chủ động và sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.

Thứ hai, cần hết sức chú trọng nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đi đôi với việc cùng nghiên cứu, trao đổi để thiết lập các khuôn khổ, mô hình hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện và ưu tiên phát triển của các địa phương hai bên.

Thứ ba, tăng cường hợp tác để quản lý tốt và sử dụng an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; bảo đảm sinh kế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân hai bên.

Thứ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị; đẩy nhanh việc mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ; tạo thuận lợi hơn nữa cho nhân dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp và tăng cường giao thương.

HỢP TÁC MẠNH MẼ HƠN NỮA

Tiếp lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã điểm ra một số nét chính về hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến nay các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

z4875581181046_44bd5c3360858a73ef19500398553bfa.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Về hợp tác phát triển, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, y tế, văn hoá, giáo dục…

Đối với định hướng hợp tác trong thời gian tới, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến ngày 01/11/2022, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”.

Còn hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), tháng 11/2006, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai” giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là một trong 2 tuyến hành lang kinh tế của khuôn khổ “Hai hành lang một vành đai”.

Tuy nhiên, việc triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai” giữa hai bên thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, cụ thể là: Hai bên chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; hợp tác thương mại chưa ổn định, thiếu bền vững, nhất là thương mại biên giới, trong đó, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc; sự phối hợp và tính kết nối giữa các địa phương hai nước còn yếu, chưa thu hút được sự tham gia của các địa phương khác ngoài tuyến hành lang kinh tế.

Để thúc đẩy hợp tác “Hai hành lang một vành đai” nói chung và hợp tác trong Tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng, Thứ trưởng đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy mối quan hệ này.

Theo ông Phương, những năm tới, 2 nước cần thúc đẩy nâng cấp và kết nối hạ tầng giao thông, nhất là là hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu; nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, du lịch và đi lại của người dân hai nước.

vietnam_trung_quoc.jpg
Việt Nam - Trung Quốc hợp tác thúc đẩy hành lang kinh tế 5 tỉnh

Cùng với đó, 2 nước nên tăng cường thuận lợi hoá thương mại, nhất là đối với hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản; tăng cường ứng dụng công nghệ số, áp dụng số hoá trong quá trình thông quan tại cửa khẩu biên giới hai nước. Nghiên cứu mở rộng phạm vi hợp tác theo hướng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của hai nước.

Đặc biệt, các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế cần tăng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại mỗi bên để doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, chính sách đầu tư kinh doanh của mỗi nước. Tăng cường giao lưu, hợp tác giữa chính quyền các địa phương, các tổ chức xã hội và nhân dân hai nước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm