Việt Nam tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, tận dụng lợi thế địa lý để cạnh tranh với Thái Lan

Việt Nam đang tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thông qua các tuyến đường bộ qua biên giới đất liền để kiểm soát chi phí, một chiến lược có thể thách thức sự thống trị của Thái Lan tại thị trường trái cây Trung Quốc…

Một quầy chợ buôn bán sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc
Một quầy chợ buôn bán sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc

Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 95% trong tổng số 876 triệu USD sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Tiềm năng cho xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đã thúc đẩy các thành phố biên giới ở cả hai nước cải thiện dịch vụ hậu cần thương mại. Bên cạnh đó, Trung Quốc cam kết sẽ làm cho vận tải biên giới trở nên dễ dàng hơn vào tháng 1/2022, cũng là thời điểm mà hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực có hiệu lực.

Thỏa thuận thương mại tự do gồm 15 quốc gia, bao gồm khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, đã thúc đẩy thương mại sầu riêng do thuế thấp hơn và thủ tục hải quan được đơn giản hóa.

Ông Jack Nguyễn, đối tác của công ty tư vấn kinh doanh Mazars tại TP.HCM cho biết, vận chuyển sầu riêng qua biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiết kiệm được chi phí và từ đó phản ánh trên giá bán lẻ ra thị trường. “Điều này sẽ mang lại lợi thế về khối lượng và tính khả thi của việc vận chuyển, cũng như là khả năng cạnh tranh về giá”, ông Jack Nguyễn giải thích thêm.

Sầu riêng đã trở thành một trong những loại trái cây nhiệt đới được tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ưa chuộng nhất, với việc người tiêu dùng ở một số vùng coi đây là món quà cao cấp cho các cặp vợ chồng mới cưới và gia đình thông gia.

Theo một số báo cáo, giá sầu riêng nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á tại Trung Quốc vào khoảng 5-10 USD/kg tuỳ thuộc vào chất lượng. Từ trước đến nay, sầu riêng của Thái Lan được yêu thích nhất tại Trung Quốc, nổi tiếng với hương vị ngọt ngào nhưng chặng đường vận chuyển đường bộ-đường biển tới Trung Quốc phải mất tối thiểu 4 ngày.

Trong khi đó, trái cây nhập khẩu qua đường bộ từ Việt Nam sang hầu hết các vùng của Trung Quốc chỉ mất khoảng từ 1-3 ngày, do đó đảm bảo được nguồn cung tươi và liên tục.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, trước đây Trung Quốc thường lo ngại về thuốc trừ sâu và phân bón. Tuy nhiên, người nông dân Việt Nam đã giải quyết được các vấn đề này, thực hành quản lý chất lượng và đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, trong đó sầu riêng đạt tỷ lệ trưởng thành 80% sau khi thu hoạch, có trọng lượng và chất lượng gần như giống hệt nhau và được bảo quản lạnh đúng cách.

Ông Nguyễn Thành Trung ước tính, có 100 trang trại sầu riêng Việt Nam có giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc, với tổng diện tích lên đến 110.300 ha, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2017.

Ông Ralf Matthaes, người sáng lập công ty tư vấn Infocus Mekong Research tại TP.HCM khẳng định, nhờ sầu riêng mà ngành nông nghiệp đang dẫn đầu các hạng mục xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...