Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch Covid-19

Theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch, tuy vậy những khó khăn, thách thức phải đối mặt vẫn là rất lớn.
Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch Covid-19

Ngày 1/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.

Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 9 và 9 tháng năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho hay GDP 9 tháng tăng 8,83%, cao nhất từ 2011 đến nay. Kinh tế phục hồi và tăng đều ở 3 khu vực nông, lâm thuỷ sản; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, lần lượt 2,99%; 9,44% và 10,57%.

Tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn nền kinh tế được đảm bảo.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, 74,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tích cực trong quý III; 82,6% doanh nghiệp nhận định lạc quan về tình hình quý IV; tồn kho giảm, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp tiếp tục tích cực trong quý III và dự kiến trong cả quý IV.

"Theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch, thứ 7 về tỷ lệ tiêm liều vaccine nhắc lại và đứng thứ 5 thế giới về số liều vaccine trung bình mỗi người dân nhận được" - ông Dũng nói.

Với đà tăng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng năm nay có thể đạt khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP cao, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, nhất là áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, tạo áp lực lớn lên cân đối ngoại tệ.

Điều này thể hiện qua số liệu tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 3 năm (2020-2022) chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016 - 2019 (6,88%). Vì vậy, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025 (6,5-7%/năm).

Các thách thức khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến, như FDI đăng ký cấp mới 9 tháng chỉ bằng 57% so với cùng kỳ; ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá... trong trung và dài hạn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro cao.

Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch... có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những thách thức trên có thể tác động tới thu ngân sách trong quý IV và đầu năm 2023.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm