Xong căn nào, “xào” căn đó!
Tại dự án KĐT An Phú Sinh (hơn 42ha tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi), năm 2011, tỉnh cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Bất động sản Thiên Bút (công ty Thiên Bút).
Khi ấy, công ty Thiên Bút chỉ có vốn điều lệ 6 tỷ và thuộc sở hữu của công ty CP Đầu tư TAG – vốn điều lệ 7,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Thiên Bút vẫn được Quảng Ngãi tin tưởng giao thực hiện dự án có tổng mức đầu tư tới 972 tỷ đồng.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án tới giữa 2017 sẽ hoàn thành. Nhưng thực tế, tới tháng 5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Nguyễn Tăng Bính - đã phải ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư phối hợp cùng Sở ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai GPMB dự án này.
Mới nhất, tháng 9/2018, Sở Xây dựng cho biết Công ty Thiên Bút mới chỉ giải phóng, đền bù được 20,9 ha– tương đương 50% dự án KĐT An Phú Sinh (42ha).
Thế nhưng, bất chấp sự chậm ấy, Công ty Thiên Bút vẫn được hưởng những ưu đãi tới khó tin, đặc biệt là việc tạo cơ chế cho chủ đầu tư.
Vẫn theo thông tin từ Sở Xây dựng Quảng Ngãi, tới tháng 9/2018, Công ty Thiên Bút mới hoàn thiện tổng cộng 224 lô nhà liền kề (trong tổng số 1.438 căn liền kề được duyệt theo quy hoạch).
Nhưng từ gần 3 năm trước, tháng 12/2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Sở TN&MT, thống nhất cấp “sổ đỏ” đối với 132 lô đất có tổng diện tích 22.416m2 cho chủ đầu tư trong KĐT An Phú Sinh. Đổi lại, Công ty Thiên Bút chỉ phải trả gần 11,12 tỷ đồng cho các nghĩa vụ tài chính liên quan tới các lô đất.
"Như vậy, khi dự án còn chưa có hoàn thành GPMB, chính quyền tỉnh đã tạo điều kiện cho DN được cấp sổ đỏ đối với những lô đất ở vừa hoàn thiện. Động thái này đã thuận lợi cho Công ty Thiên Bút kinh doanh phân lô bán nền khi hạ tầng dự án vẫn ngổn ngang, trong khi hơn 50% diện tích vẫn chưa đền bù.
Lưu ý là, tại dự án An Phú Sinh, mỗi nền đất liền kề có giá trị giao dịch tại thời điểm đầu năm 2017 vào khoảng 700 triệu – 1,4 tỷ đồng (tùy diện tích, hướng). Như vậy, chỉ riêng việc chuyển nhượng 132 lô liền kề nêu trên (được thống nhất cấp sổ vào cuối 2014), Công ty Thiên Bút đã thu về khoảng 190 tỷ đồng.
Dự án “co giãn” tại Long Xuyên
Khu tứ giác Long Xuyên thuộc thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) vốn chỉ mạnh về thương mại, chế biến thủy sản, nông sản. Vài năm qua, khi phấn đấu trở thành đô thị loại 1 (định hướng tới 2020), Long Xuyên mới “cựa mình” với hoạt động xây dựng các KĐT mới.
Trong số hiếm hoi các KĐT đang hình thành ở TP Long Xuyên, KĐT Tây Sông Hậu đáng chú ý hơn cả. Đầu tiên là ở “cách” phê duyệt dự án của UBND tỉnh An Giang.
Tỉnh An Giang tạo điều kiện tốt cho liên doanh NHO - TBP qua cách phê duyệt dự án khá "co giãn"
Theo đó, ngày 4/11/2014, tỉnh An Giang ban hành quyết định 1980/QĐ-UBND, cho phép khởi động dự án KĐT Tây Sông Hậu – Smart City An Giang cho liên doanh Công ty CP Tổ chức Nhà quốc gia (N.H.O JSC) và Công ty TNHH MTV BĐS Thiên Bút (gọi tắt là NHO-TBP).
KĐT này có diện tích 51ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 990 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục chung cư cao cấp, liền kề, biệt thự. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2017.
Tới tháng 4/2016, tỉnh An Giang ra Quyết định 1087/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này vẫn cho liên doanh NHO-TBP. Tuy nhiên, quyết định này đã nâng tổng mức đầu tư dự án lên 2.200 tỷ đồng, trong khi diện tích giảm xuống còn khoảng 49ha…
Nhưng tới cuối tháng 7/2017, UBND tỉnh ra quyết định 2301/QĐ-UBND, hủy bỏ Quyết định 1087/QĐ-UBND. Lý do: Thời gian và tiến độ thực hiện dự án tại quyết định này không phù hợp với quyết định 1980/QĐ-UBND ngày 4/11/2014.
Tới ngày 4/10/2017 - tức gần 4 năm sau - UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định 2926/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh kết quả lựa chọn nhà đầu tư, điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án trở về mức 976 tỷ đồng (thấp hơn ban đầu), nhưng thời gian hoàn thành được “kéo” từ năm 2016 tới năm 2020.
Rồi tới ngày 30/7/2018, UBND tỉnh quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định 2301 (về hủy bỏ Quyết định 1087/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của tỉnh về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KĐT Tây Sông Hậu).
Như vậy là, quyết định 1087/QĐ-UBND đã được khôi phục hiệu lực sau gần một năm bị hủy bỏ. Giá trị của việc khôi phục quyết định này nằm ở chỗ, duy trì tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.000 tỷ đồng. Nhưng, về nguyên tắc, chủ đầu tư dự án chỉ phải chịu các chi phí cho dự án như mức hỗ trợ phúc lợi, tiền sử dụng đất, thuế phí… chỉ bằng một nửa, trong khi thời gian thực hiện được kéo sang năm 2020 (vì được xác định theo Quyết định 2926).
Vậy thì, Liên doanh NHO – TBP có gì “đặc biệt”, khiến UBND tỉnh An Giang phải 5 lần 7 lượt “co giãn” các quyết định hành chính để tạo được lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp này?
Chúng tôi sẽ trình bày về những liên quan giữa các cổ đông cá nhân, cổ đông pháp nhân của hai công ty Thiên Bút và Công ty CP Tổ chức Nhà quốc gia, cũng như quan hệ của các cổ đông ấy… trong bài viết sau.
>> Quảng Ngãi: Doanh nghiệp “tý hon” được giao dự án “siêu khủng”