Bộ Giao thông vận tải cho biết trong thời gian ngắn, Vietjet Air đã có 7 sự cố khai thác tàu bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.
Đáng chú ý, trong tháng 12 đã xảy ra hai sự cố nghiêm trọng đối với các chuyến bay của Vietjet Air. Cụ thể, chuyến bay VJ356 ngày 29/11/2018, trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống cảng hàng không Buôn Ma Thuột, hai bánh càng mũi đã bị rơi ra khỏi tàu bay; chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018 đã hạ cánh xuống đường cất hạ cánh chưa đưa vào khai thác tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sau khi phải quay lại hạ cánh do gặp hỏng hóc kỹ thuật.
Theo Bộ Giao thông, tình trạng để xảy ra liên tiếp các sự cố hàng không của các hãng hàng không Việt Nam nói chung và của hãng hàng không Vietjet Air nói riêng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý của hành khách tham gia bằng đường hàng không. Bộ Giao thông vận tải nghiêm khắc cảnh cáo hãng hàng không Vietjet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh hàng không đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác tàu bay của Vietjet Air, đặc biệt kiểm tra về bằng cấp, chứng chỉ của tổ bay, nhân viên kỹ thuật phục vụ các chuyến bay, thời gian làm việc; đánh giá lại toàn bộ yếu tố khai thác quản lý, đảm bảo kỹ thuật đối Vietjet.
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air, đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu thực hiện các giải pháp cần thiết đối với hãng hàng không Vietjet Air để giảm tối đa các rủi ro có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, ngăn ngừa các sự cố tương tự xảy ra trong khai thác tàu bay.
Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra nguyên nhân xảy ra các sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay trong thời gian qua; nghiên cứu việc cấp slot cho các chuyến bay nhằm đảm bảo thời gian dãn cách của các chuyến bay, tăng chuyến bay vào khung giờ thấp điểm; giảm chuyến bay vào khung giờ cao điểm; xem xét thời gian quay vòng chuyến bay hợp lý.
"Cục Hàng không tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với Vietjet Air cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018; trường hợp đặc biệt có văn bản báo cáo Bộ xem xét, giải quyết", chỉ thị nêu rõ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vietjet nghiêm túc thực hiện các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay; lập kế hoạch bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo dưỡng phù hợp với yêu cầu khai thác; rút kinh nghiệm sâu sắc nguyên nhân gây ra các sự cố, khẩn trương đề ra các biện pháp khắc phục một cách tổng thể, toàn diện và cơ bản nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn chuyến bay là trên hết, không vì mục đích lợi nhuận làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh và chất lượng phục vụ chuyến bay.
Xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan dẫn đến sự cố nghiêm trọng; điều chỉnh người chịu trách nhiệm khai thác tàu bay của hãng; rà soát toàn bộ các quy trình về khai thác, bảo dưỡng tàu bay, công tác tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện người lái tàu bay, kịp thời phát hiện những bất cập để thực hiện khắc phục, chấn chỉnh, hoàn thiện nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tàu bay.
Sắp xếp, bố trí các tổ bay làm việc theo đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lái tàu bay, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc.
Bố trí hợp lý nguồn lực như tàu bay, người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị… tại các cảng hàng không sân bay đảm bảo năng lực phát hiện sớm, khắc phục kịp thời hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian tàu bay dừng khai thác do hỏng hóc kỹ thuật cũng như giảm tối đa việc chậm, hủy chuyến trong hoạt động khai thác tàu bay nói chung và đặc biệt trong giai đoạn phục vụ vận chuyển cao điểm dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2019.