Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (MCK: HVN) đã công bố BCTC quý IV/2022 và luỹ kế cả năm 2022.
Theo đó, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt 19.471 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến Vietnam Airlines lỗ gộp 828 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 635 tỷ đồng của quý 4/2021.
Chi phí tài chính của Vietnam Airlines cũng tăng mạnh lên hơn 1.000 tỷ đồng - gấp 3,6 lần cùng kỳ, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá (540 tỷ đồng) và lãi vay (370 tỷ đồng). Ngoài ra chi phí bán hàng cũng tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Trừ đi các loại chi phí và thuế, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 2.585 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, tổng doanh thu của Vietnam Airlines đạt gần 71.000 tỷ đồng. Con số này tương đương trên 70% mức trước dịch năm 2019 và lớn hơn cả hai năm 2020, 2021 gộp lại.
Tuy nhiên, gánh nặng chi phí khiến HVN lỗ ròng 10.400 tỷ đồng. Nhưng mức lỗ này đã giảm 3.000 tỷ đồng so với năm 2021 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra hồi giữa năm.
Đến hết 31/12, Vietnam Airlines ghi nhận 12 quý lỗ liên tiếp với khoản lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, kết quả thua lỗ quý 4/2022 là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga-Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng.
Tuy nhiên, việc lỗ nhiều quý liên tiếp đang khiến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đến bờ vực hủy niêm yết. Trước đó, HoSE cũng đã lưu ý việc hủy niêm yết cổ phiếu HVN nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.