Mới đây, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ký ban hành Quyết định số 3124/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bình Tân, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Theo Quyết định này, Khu công nghiệp Bình Tân có tổng diện tích 400ha, tại thị trấn Tân Quới và xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Phía Bắc giáp đất dân và đất quy hoạch khu tái định cư và nhà ở công nhân của khu công nghiệp; Phía Nam giáp đất dân và Quốc lộ 54; Phía Đông giáp đất dân ven kênh Hai Quý; Phía Tây giáp đất dân và Quốc lộ 54. Tổng diện tích 400 ha.
Mục tiêu quy hoạch là cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch ngành và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khu công nghiệp Bình Tân bố trí loại hình công nghiệp như: Chế biến nông sản - thực phẩm, chế biến rau quả và các sản phẩm từ trái cây; Chế biến thủy sản; Các sản phẩm từ chăn nuôi; Công nghiệp hàng tiêu dùng, dệt may, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp lắp ráp điện tử, bao bì, công nghiệp dược phẩm - mỹ phẩm; Công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; Kho bãi, dịch vụ và một số ngành khác ít ô nhiễm môi trường…
Dự báo diện tích đất nhà máy, xí nghiệp khoảng 273,2ha, dự kiến 01ha đất nhà máy, xí nghiệp cần khoảng 50 công nhân, người lao động. Dự báo số công nhân, người lao động cho khu công nghiệp khoảng 13.660 người.
Theo quy hoạch, trong diện tích 400 ha: Đất nhà máy, xí nghiệp, kho tàng 279,51 ha, chiếm 69,88% (Khu đất nhà máy, xí nghiệp 273,20 ha, khu đất kho tàng 6,31 ha); Đất bến thủy nội địa 2,78 ha, chiếm 0,70%; Đất điều hành, dịch vụ 6,20 ha, chiếm 1,55% (Khu đất điều hành 4,13 ha, khu đất dịch vụ 2,07 ha); Đất cây xanh 41,38 ha, chiếm 10,35% (Đất cây xanh cách ly 28,80 ha, đất cây xanh cảnh quan 12,58 ha); Mặt nước 6,12 ha, chiếm 1,53%; Đất các khu hạ tầng kỹ thuật 4,44 ha, chiếm 1,11%; Đất giao thông 59,57 ha, chiếm 14,89%.
Quy hoạch phân khu chức năng rõ ràng, không gian kiến trúc tổng thể phù hợp, các khu chức năng phân bố độc lập và được kết nối bởi mạng lưới giao thông, quanh khu công nghiệp có bố trí cây xanh cách ly nhằm giảm ảnh hướng tới các khu dân cư lân cận.
Các khu chức năng chủ yếu của khu công nghiệp này gồm: Khu nhà máy, xí nghiệp, kho tàng có tổng diện tích khoảng 279,51 ha chiếm 69,88% diện tích toàn khu. Trong phần đất các xí nghiệp, nhà máy bố trí các lô đất có diện tích từ 2 - 6,18 ha. Mật độ xây dựng tối đa là 70% (riêng đối với các lô đất xây dựng nhà máy có trên 05 sàn sử dụng để sản xuất, mật độ xây dựng tối đa là 60%). Tầng cao tối đa 7 tầng.
Khu điều hành, dịch vụ tổng diện tích khoảng 6,2 ha chiếm 1,55% diện tích toàn khu, bố trí nằm tại lối vào chính và tại hai bên trục đường nối từ Quốc lộ 54 vào khu công nghiệp. Bố trí các công trình như: Ban quản lý khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công cộng, văn phòng làm việc, khu trưng bày sản phẩm,… Mật độ xây dựng tối đa 50%. Tầng cao tối đa đối với khu điều hành là 7 tầng, đối với khu dịch vụ là 5 tầng.
Khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật tổng diện tích khoảng 4,44 ha chiếm 1,11% diện tích toàn khu, gồm những công trình cung cấp và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho khu công nghiệp, bố trí hồ sự cố và trạm xử lý nước thải đảm bảo nước thải được xử lý nước thải đạt chuẩn loại A về môi trường trước khi xả ra rạch hiện trạng. Mật độ xây dựng tối đa 40%. Tầng cao tối đa 2 tầng.
Khu bến thủy nội địa tổng diện tích khoảng 2,78 ha chiếm 0,70% diện tích toàn khu. Bến thủy được bố trí bên bờ sông Hậu là khu bến hàng hóa chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp.
Khu cây xanh tổng diện tích khoảng 41,38 ha chiếm 10,35% diện tích đất toàn khu, gồm cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly; Khu mặt nước tổng diện tích khoảng 6,12 ha chiếm 1,53% diện tích đất toàn khu, bao gồm kênh thoát nước tưới tiêu và rạch Chân Rít (rạch Rít).
Dự kiến bố trí khu tái định cư và nhà ở cho công nhân nằm giáp ranh phía Tây Bắc của khu công nghiệp với quy mô khoảng 32,4 ha. Hiện nay nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu tái định cư Khu công nghiệp Bình Tân đã được phê duyệt và đang được triển khai lập quy hoạch.
Ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật như: San nền, hệ thống giao thông, cấp điện, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống thông tin liên lạc,... Nguồn lực để thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa, mời gọi đầu tư và ngân sách Nhà nước.