Thị trường tuần 28/4- 2/5 phục hồi trên diện rộng, biên độ dao động gần 90 điểm. Chỉ số Vn-Index chốt tuần ở 1.229,23 điểm, tăng +10,11 điểm, tương đương tăng +0,83% so với tuần trước, ghi nhận một tuần biến động mạnh với biên độ gần 90 điểm. Nhóm cổ phiếu nhỏ (Smallcap) có mức phục hồi tốt nhất, tăng +0,95%, trong khi nhóm Vn30 và nhóm cổ phiếu trung bình (Midcap) có mức tăng lần lượt +0,84% và +0,22%.
Mặt bằng cổ phiếu phục hồi trên diện rộng, Một số nhóm cổ phiếu có sức bật tốt trong tuần vừa qua: Vingroup (+7,5%), Bán lẻ (+5,7%), Viettel (+4,3%), … ở chiều ngược lại, một số nhóm cổ phiếu ngược dòng thị trường: Chứng khoán (-3,8%), BĐS KCN (-1,95%), Ngân hàng (-1,1%), v.v…
Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua còn 23.845 tỷ đồng, giảm nhẹ -1,2% so với tuần trước đó, tuy vậy thanh khoản khớp lệnh lại tăng +1,2% lên 21.889 tỷ đồng. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 4 đạt 26.619 tỷ đồng, tăng +17% so với tháng 3 và tăng +9,1% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường đạt 20.012 tỷ đồng, giảm -5,08% so với mức bình quân năm 2024.
Khối ngoại mua ròng +466 tỷ đồng, đánh dấu tuần mua ròng đầu tiên sau 10 tuần bán ròng liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng -41.712 tỷ đồng. Một số cổ phiếu được khối ngoại mua ròng đáng chú ý như: HPG (+507 tỷ đồng), MWG (+332 tỷ đồng), VRE (+137 tỷ đồng).
Thanh khoản toàn thị trường tăng nhẹ so với tuần trước giúp thị trường hồi phục trên diện rộng và dòng tiền lại chảy vào một số nhóm cổ phiếu như: Bất động sản, Bán lẻ, Vingroup, Thực phẩm, Sản xuất và phân phối điện, Bảo hiểm, Viettel.
Về định giá, chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 13,7 lần, tương đương thấp hơn mức bình quân kể từ năm 2020 đến nay 1 độ lệch chuẩn, bên cạnh đó cho thấy thị trường đang ở mức định giá thấp hơn trung bình lịch sử (19%) là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.
Thị trường giằng co trong biến động
Chứng khoán MB
Mạch thông tin hỗ trợ thị trường lúc này chủ yếu đến từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025 và mùa Đại hội cổ đông. Bên cạnh đó là thông tin “treo” về kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ. Cổ phiếu Nike (NKE: NYSE, công ty có 450.000 nhân viên tại 130 nhà máy tại Việt Nam), đã phục hồi 2 tuần liên tiếp, ngắt mạch giảm 6 tuần liền, có thể coi là tín hiệu tích cực cho kỳ vọng về đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng tuần đầu tiên sau chuỗi bán ròng, ít nhất cũng sẽ củng cố xu hướng dao động đi ngang của thị trường. Nhìn chung, bối cảnh thông tin trong nước là tích cực để hỗ trợ thị trường từ kết quả kinh doanh cho đến Đại hội cổ đông, các đợt giảm mạnh trong thời gian vừa qua cũng đã rũ bớt các cổ phiếu dùng đòn bẩy cao và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng đã qua đỉnh, do vậy khi các tác động bên ngoài giảm nhiệt/xuống thang, tình hình sẽ tốt dần lên.
Về kỹ thuật, sau nhịp phục hồi nhanh chóng 167 điểm kể từ đáy tháng 4, thị trường đang tạo vùng cân bằng ở khu vực 1.200 – 1.240 điểm. Thanh khoản 2 tuần vừa qua đã sự suy giảm (nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận), phù hợp với kịch bản thị trường đi ngang trước kỳ nghỉ lễ dài ngày khiến nhà đầu tư hạ bớt hoặc giảm vòng quay.
Nhịp hồi vừa qua, đóng góp chính đến từ 2 cổ phiếu (VIC, VHM), cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận không nhiều ngoài nhóm Vingroup. Diễn biến này kết hợp với thanh khoản giảm có thể còn tiếp diễn trước và sau kỳ nghỉ lễ.
Trong kịch bản cơ bản: chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong khi chờ kết quả đàm phán thuế quan, với vùng dao động 1.200 – 1.240 điểm. Trong kịch bản thận trọng, mức thuế 46% nếu coi là mức trần thì tương ứng với thị trường đã tạo được 1 đáy để tham chiếu ở khu vực 1.080 điểm, các vùng hỗ trợ gần cho thị trường trong kịch bản này sẽ ở khu vực 1.150 – 1.160 điểm.
Thị trường vẫn liên tục giằng co
Chứng khoán BIDV
Thị trường hiện tại vẫn giao dịch trong vùng 1.200 – 1.240 với thanh khoản thấp, cho thấy xu hướng giằng co chưa có dấu hiệu kết thúc. Kỳ vọng dòng tiền của nhà đầu tư sẽ trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Thị trường phân hóa rõ nét, cổ phiếu lớn gây sức ép lên chỉ số
Chứng khoán Mirae Asset
VN-Index tiếp tục duy trì trạng thái giằng co trong suốt phiên giao dịch ngày 29/4. Dù lực cầu có lúc đã nỗ lực kéo chỉ số hồi phục, nhưng áp lực bán vẫn duy trì ở nhiều nhóm ngành, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn khiến chỉ số mất sắc xanh phút cuối phiên. Phiên giao dịch giảm điểm nhẹ. Hệ số P/E của VN-Index ở mức 13.7x.
Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường
Chứng khoán KIS Việt Nam
Thị trường ngày 29/4 ghi nhận phiên giảm điểm cùng với thanh khoản sụt giảm; tuy nhiên, điểm sáng đến từ ngành ngân hàng và chứng khoán khi đi ngược xu hướng chung và thu hút được lực cầu mạnh mẽ.
Thị trường đảo chiều giảm điểm cùng thanh khoản sụt giảm đáng kể, phần lớn do áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng trước kỳ nghỉ lễ dài. Diễn biến này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại. Do vậy, nhà đầu tư nên quan sát và đưa ra chiến lược phù hợp trong danh mục đầu tư của mình.
Dòng tiền dè dặt, nhà đầu tư nên thận trọng
Chứng khoán TPS
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/4/2025, chỉ số VN-index đóng cửa tại mức 1,226.30 điểm, giảm nhẹ 0.50 điểm, tương ứng với tỷ lệ giảm 0.04%. Chỉ số VN30 giảm 2.59 điểm với tỷ lệ giảm 0.20%, đóng cửa tại 1,309.73 điểm.
Thị trường điều chỉnh nhẹ, hầu hết thời gian giao dịch thị trường đều thể hiện trạng thái giằng co, điều này có thể đến từ tâm lý nghỉ lễ sớm dẫn đến dòng tiền vào thị trường giảm sâu. Dưới góc nhìn kỹ thuật, thị trường đã có tín hiệu ổn định hơn sau nhịp bán tháo hồi đầu tháng do chính sách thuế quan từ Mỹ, theo đó chỉ số VN-index có tiềm năng tăng ngắn hạn đến quanh mốc MA200 ngày tại 1,262 điểm (+/-).
Mặc dù vậy, thị trường vẫn có thể bị chi phối bởi tin tức bất lợi (nếu có), NĐT nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải nhằm tạo tính thích nghi linh hoạt trong trường hợp thị trường điều chỉnh hoặc trạng thái tích lũy tiếp tục kéo dài.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.