Vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên tiếp tục kéo nhau ra tòa

Tòa án đã đưa ra phán quyết khôi phục tư cách Phó tổng giám đốc tập đoàn Trung Nguyên cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhưng vợ vua cà phê Trung Nguyên vẫn chưa thể về DN mình sáng lập.
Vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên tiếp tục kéo nhau ra tòa

Sáng mai (7/2), Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp giữa các thành viên Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Phó tổng giám đốc) với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Tổng giám đốc, cũng là chồng bà Thảo).

Ngày 22/9/2017, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ kiện này, với phán quyết hủy Quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, đồng thời khôi phục tư cách Phó tổng giám đốc của bà tại Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo điều hành và quản lý tại tập đoàn này.

Tuy nhiên, ngày 10/10/2017, ông Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.

Vụ tranh chấp của vợ chồng “vua" cà phê Việt Nam kéo dài hơn 3 năm qua gây sự chú ý của dư luận. Thương hiệu cà phê Trung Nguyên ra đời năm 1996, do ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng sáng lập và sở hữu. Tuy nhiên, sau 20 đồng hành cùng nhau, tới tháng 4/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Sau nhiều phiên xét xử, phán quyết của TAND TP.HCM vào tháng 9/2017 được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho bà Thảo về lại vị trí của mình sau 3 năm rời đi. Tuy nhiên, từ khi có bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, bà Thảo vẫn chưa được trở về điều hành công ty mà mình đã sáng lập và đang là đồng sở hữu.

Cũng trong thời gian này, tòa án đang thụ lý xem xét vụ ly hôn của hai vợ chồng bà Thảo, ông Vũ. Cả hai vợ chồng đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.

Bà Thảo cho rằng gần như không được bước chân về Trung Nguyên và không được tham gia vào bất kỳ hoạt động điều hành nào của tập đoàn này. Vừa qua bà Thảo đã có đơn gửi đến Chánh án Tòa án TP.HCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn.

Theo đó, toàn bộ tài sản của gia đình và công ty được hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà người vợ vừa là đồng sáng lập và đồng sở hữu thì phải được đồng quyền, tránh trường hợp một bên đơn phương ra các quyết định làm thay đổi khối tài sản trong quá trình chờ tòa án ra quyết định cuối cùng.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...