Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa thông báo chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, Mã: VPB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19.758 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng, tăng 80% so với hiện tại.
Phương án tăng vốn được phê duyệt là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thông qua vào ngày 28/7.
Theo phương án mà VPBank đã chốt, ngân hàng này sẽ phát hành 1,53 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 62,15% và hơn 440 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 17,85%.
Nếu các đợt phát hành hoàn tất, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.
Nguồn vốn phát hành được lấy từ hơn 19.757 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, sau khi được UBCKNN thông qua.
VPBank cho biết thời điểm thực hiện dự kiến trong năm 2021 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua. Số cổ phiếu được phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng.
Việc tăng vốn của VPBank tiếp tục làm nóng cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng. Vietcombank, VietinBank, BIDV đều có kế hoạch tăng vốn “khủng” và đầy tham vọng, tuy nhiên, vì nhiều lý do vẫn chưa hoàn tất kế hoạch.
Năm 2021, Vietcombank có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng. BIDV muốn tăng vốn điều lệ lên 48.524 tỷ đồng. VietinBank cũng đã được NHNN chấp thuận cho thực hiện tăng mức vốn điều lệ lên trên 48.057 tỷ đồng.
Nếu hoàn tất tăng vốn sớm hơn, VPbank sẽ tạm thời trở thành một trong những ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Trong thời gian qua, các ngân hàng liên tiếp chạy đua tăng vốn điều lệ. Thống kê từ Công ty chứng khoán VNDirect cho thấy, năm 2020 có 12 ngân hàng được chấp thuận tăng thêm 160.000 tỷ đồng vốn điều lệ, song báo cáo tài chính cuối quý IV/2020 thì tổng cộng chỉ có khoảng 33.000 tỷ đồng vốn điều lệ được bổ sung trong năm 2020.
Nhiều ngân hàng chủ động tăng vốn bằng cách dồn dập phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu. Theo kế hoạch phát hành trái phiếu đợt 11 năm 2021, VietinBank phát hành riêng lẻ 180 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản, với lãi suất thả nổi.
BIDV trong tháng 8 phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 8 năm.
Trước đó, ngày 16/8/2021, VIB cũng phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm sau khi đã huy động thành công 150 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 12/8.
Ngoài phát hành trái phiếu, các ngân hàng cũng chọn hình thức chia cổ tức để tăng vốn điều lệ. Hàng loạt ngân hàng lớn đều chọn cách này như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, VPBank...
Theo đó, VietinBank và MB đầu tháng 7 đã thông báo chốt danh sách chia cổ tức với tỉ lệ lần lượt là 29% và 35%. Trong khi Vietcombank và BIDV đang chờ Chính phủ phê duyệt kế hoạch chia cổ tức.
SeABank phê duyệt phương án và giá chào bán 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ phát hành là 10,13% để tăng vốn điều lệ từ 13.434 tỷ đồng lên hơn 14.784 tỷ đồng. SeABank cũng đã hoàn tất hai đợt phát hành để trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông và phát hành ESOP với tổng số lượng cổ phiếu phát hành thêm sau hai đợt là hơn 133,7 triệu đơn vị.