Văn Phú Invest bắt đầu niêm yết giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) từ ngày 28/11/2017. Tại ĐHCĐ mới diễn ra, Văn Phú Invest đã thông qua chủ trương chuyển sàn niêm yết sang HoSE và nhận được sự nhất trí cao từ cổ đông.
Kể từ khi niêm yết tới nay, VPI nhận được sự quan tâm khá lớn của khối ngoại và tỷ lệ sở hữu đã vượt ngưỡng 10%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4, cổ phiếu VPI đóng cửa tại mức giá 42.200 đồng/cp, tăng 52,8% so với mức giá chào sàn (27.600 đồng/cp).
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của VPI, Ông Phạm Hồng Châu -Phó TGĐ cho biết, mục tiêu từ ban đầu của VPI là niêm yết trên HoSE nhưng vì năm 2017 chưa đủ tiêu chuẩn nên công ty niêm yết trên HNX để làm quen với các quy định của công ty đại chúng. Năm nay đủ điều kiện công ty sẽ chuyển sang HoSE để quảng bá, thu hút nhà đầu tư hơn.
Cũng theo ông Châu, VPI chuyển sang HoSE sẽ củng cố vị thế, các cổ đông sẽ có thông tin minh bạch hơn. Trên sàn HoSE tính thanh khoản và huy động vốn cao hơn nên giá trị cổ phiếu VPI sẽ gia tăng, đem lại lợi ích cho cổ đông.
Nối tiếp đà tăng trưởng , năm 2018 VPI đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 2.334 tỷ đồng, gấp 2,7 lần; Lợi nhuận sau thuế gần 604 tỷ đồng – tăng 44% so với năm trước.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty Văn Phú Invest đạt 573 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức chi trả dự kiến ở mức 16%. Công ty chưa có kế hoạch tăng vốn trong năm 2018.
Kết thúc quý 1/2018, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ VPI đạt 27,3 tỷ đồng tuy nhiên giảm trừ doanh thu lên tới 12,65 tỷ đồng nên doanh thu thuần chỉ còn 14,6 tỷ đồng vẫn tăng mạnh so với con số 813 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp đạt hơn 6 tỷ đồng, gấp 10 lần quý 1/2017.
Trong kỳ đáng chú ý VPI ghi nhận tới 5,57 tỷ đồng lãi từ hoạt động liên doanh liên kết nên kết quả sau khi trừ các khoản chi phí Đầu tư Văn Phú – Invest báo lãi ròng 5,57 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ ròng hơn 10 tỷ đồng trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là hơn 6 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý 1/2018 rất khả quan so với cùng kỳ, nhưng so với con số mục tiêu mà VPI đặt ra thì còn rất khiêm tốn, mới chỉ hoàn thành được 0,6% mục tiêu doanh thu và 1% mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, thông thường, quý 1 hàng năm được đánh giá là "yếu" do mức tăng trưởng thấp, do chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố mùa vụ như nghỉ Tết cổ truyền; lễ hội, du Xuân. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được tăng lên trong những quý tiếp theo, và đặc biệt là quý 4.
Theo bản cáo bạch, cổ đông lớn nhất của Văn Phú Invest là ông Tô Như Toàn – Chủ tịch HĐQT với lượng sở hữu 40% vốn điều của VPI, tiếp theo là THG Holdings – cổ đông tổ chức duy nhất nắm giữ 37,5 triệu cổ phiếu VPI.
Ngoài ra, một cá nhân khác là ông Tô Như Thắng, em trai ông Toàn, nắm giữ 11,3 triệu cổ phiếu. Đây là ba cổ đông duy nhất nắm giữ trên 5% vốn điều lệ của Văn Phú – Invest theo báo cáo bạch.
Đáng chú ý, ông Toàn còn sở hữu 40% vốn điều lệ của THG Holdings. Tổng số cổ phiếu VPI ông Toàn nắm giữ trực tiếp và gián tiếp tương đương 55 triệu, vợ và con ông Toàn mỗi người nắm giữ 4 triệu cổ phiếu,
Nếu tính theo thị giá hiện tại, tổng giá trị cổ phiếu VPI của gia đình ông Toàn tương đương 2.658 tỷ đồng.
>> ĐHCĐ Văn Phú Invest: Sở hữu quỹ đất “khủng”, xoay vốn đầu tư thế nào?