Với CPF mới, Nhóm WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình và tốt nghiệp quy chế vay vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của WB.
CPF mới tiếp tục phát huy những hỗ trợ sẵn có và mạnh mẽ của WB tại Việt Nam, phối hợp và bổ trợ với các đối tác phát triển khác, huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ phát triển, như huy động nguồn vốn thương mại và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
Bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào các ngành kinh tế; đầu tư vào con người và tri thức; bền vững môi trường và năng lực ứng phó; nâng cao năng lực quản trị.
Trong giai đoạn tới, riêng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc WB sẽ hỗ trợ bằng hình thức đầu tư và tư vấn, huy động nguồn vốn dài hạn cho các khoản đầu tư mang lại lợi ích kinh tế-xã hội lớn, hỗ trợ sự phát triển thị trường vốn và các nguồn vốn tư nhân khác. IFC sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành chủ chốt như tài chính, hạ tầng, công nghiệp chế tạo và năng lượng nhằm kết hợp kinh nghiệm quốc tế với sự thông hiểu tình hình tại chỗ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
“Là nhân tố chính giúp tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, kinh tế tư nhân sẽ giúp Việt Nam đạt trình độ phát triển cao hơn” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào của IFC nhận định.
>> Kiến tạo không gian cho kinh tế tư nhân