Xây dựng bộ tiêu chí phát triển đô thị thông minh phù hợp với từng địa phương

Phát triển đô thị thông minh là vấn đề mới, nhiều khó khăn thách thức. Do đó, cần xây dựng thể chế, công cụ, phù hợp với việt Nam, phù hợp với từng địa phương nhằm hỗ trợ thúc đẩy nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh.
Xây dựng đô thị thông minh cần có bộ tiêu chí và phù hợp với từng địa phương.
Xây dựng đô thị thông minh cần có bộ tiêu chí và phù hợp với từng địa phương.

Đây là nội dung được ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng chia sẻ tại cuộc toạ đàm “Đô thị thông minh – từ chính sách đến thực thi” vừa được báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.   

Theo ông Lê Hoàng Trung, Cục Phát triển đô thị là đơn vị nghiên cứu tham mưu xây dựng Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 950) và đã được ban hành tháng 8/2018. 

Nhìn lại quá trình phát triển đô thị từ sau đổi mới năm 1986 đến nay, 36 năm phát triển đô thị Việt Nam đã có những bước phát triển. Năm 1986, tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 20%, đến nay tỷ lệ này đạt 40%. Có thể nhìn thấy tốc độ, tỷ lệ đô thị hóa nhanh, đến nay có 870 đô thị trên toàn quốc.

Từ 2018, Đề án 950 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng ban hành một số Nghị quyết về cuộc cách mạng lần thứ tư, về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định phát triển đô thị thông minh là một trong những xu hướng tất yếu…

Ông Lê Hoàng Trung cho rằng, đô thị thông minh vẫn là vấn đề mới của cả thế giới và Việt Nam. Mỗi nước có cách tiếp cận đô thị thông minh khác nhau. Như Tokyo, New York, London, các thành phố đô thị thông minh của thế giới, đã qua quá trình đô thị hóa, đang ở quá trình tái thiết đô thị, chỉnh trang đô thị, tiềm lực kinh tế, trình độ hạ tầng của họ đã khác. Do đó, cần đặt ra phát triển đô thị thông minh nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam. 

Với đô thị Việt Nam, được phân định thành nhiều loại: đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn. Phát triển đô thị là 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) khác với đô thị trực thuộc tỉnh (như Phủ Lý, Hà Nam; TP Bắc Ninh; TP Bắc Giang; Thủ Dầu Một, Bình Dương)... và khác với các đô thị loại nhỏ chiếm trên 70% là các thị trấn - tương đương với cấp xã. Phát triển đô thị hay phát triển đô thị thông minh, tùy từng đô thị, từng cấp độ, mà có định hướng khác nhau. 

Bên cạnh đó, cơ bản trên thế giới không có đô thị nào thông minh toàn diện, mà chỉ có đô thị thông minh từng phần, từng đô thị chọn thách thức, giải pháp của họ, làm sao phát triển tiềm năng lợi thế.

Đơn cử như London, Tokyo muốn tái thiết đô thị thông minh nhằm đối mặt với dân số già, biến đổi khí hậu... Ấn Độ đặt ra mục tiêu 100 thành phố thông minh, có thành phố chỉ giải quyết 1 vấn đề, có thành phố giải quyết về rác thải, có thành phố xử lý không khí ô nhiễm...

“Vì vậy, quá trình phát triển chúng ta không thể đặt mục tiêu đô thị thông minh theo hướng tổng hòa tất cả”, ông Trung nhấn mạnh.

Có thể thấy, tiếp cận đô thị thông minh Việt Nam có những thách thức. Trong Đề án 950 cũng nhận định đô thị thông minh là vấn đề mới, chúng ta cần xây dựng thể chế, công cụ, dù đã có chủ trương định hướng nhưng chưa có văn bản pháp luật để quy định, hỗ trợ thúc đẩy nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh, phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc như thế nào... 

Ông Lê Hoàng Trung cho hay, thực tế nhiều đô thị của Việt Nam đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển, đề án có thể vẽ nhiều bức tranh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Với đô thị Việt Nam, chúng ta sẽ lựa chọn vấn đề ưu tiên, ví dụ Phú Quốc, Đà Nẵng chọn du lịch thông minh…

Khó khăn nữa là dữ liệu, nếu đô thị thông minh không có dữ liệu đầu vào để phân tích thì sẽ không có đô thị thông minh. Tuy nhiên, dữ liệu chúng ta thống kê theo hệ thống, theo chu kỳ, báo cáo, bị chậm so với quá trình hoạch định chính sách, thực hiện hỗ trợ ra quyết định... Chúng ta đang bắt đầu triển khai chuyển đổi số để xây dựng dữ liệu, nhưng hiện tại cách thức làm giàu kho dữ liệu đang thiếu hụt.

Liên quan đến trụ cột xây dựng đô thị thông minh, ông Lê Hoàng Trung cho rằng,  đầu tiên, đô thị thông minh bắt đầu từ công tác quy hoạch thông minh, để làm sao lựa chọn địa điểm phù hợp làm quy hoạch, có thể thông qua phần mềm, công cụ tính toán để lựa chọn. 

Thứ hai, công tác quy hoạch liên quan dữ liệu đầu vào. Dữ liệu đô thị thông minh phải có sự liên thông, mỗi bộ ngành quản lý theo một lĩnh vực, nhưng đô thị là đa ngành, đa lĩnh vực. Thứ ba, liên quan đến đầu tư và quản lý đô thị thông minh, có đô thị hiện hữu và đô thị mới.

Để xây dựng đô thị thông minh cần có bộ tiêu chí đô thị thông minh đánh giá như thế nào liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Cục Phát triển Đô thị thống nhất với các bộ, ngành phải có một khung, để từ đó từng đô thị lựa chọn theo nhu cầu của họ, muốn phát triển như thế nào.

Trong thời gian sớm, Cục sẽ nghiên cứu ban hành trước tiên là sổ tay hướng dẫn. Chúng ta không quá cầu toàn đưa hết vấn đề xã hội, mà đưa ra khung, chọn một vài tiêu chí dễ triển khai, phổ quát nhất, và đón nhận phản hồi.

“Đô thị vẫn phát triển, tồn tại và có thách thức. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, từng bước kiện toàn dần theo thời gian, theo trình độ kinh tế phát triển đô thị, trình độ kinh tế, xã hội, trình độ tích tụ hạ tầng... để các địa phương, đô thị lựa chọn giải quyết vấn đề của họ”, ông Lê Hoàng Trung nhấn mạnh.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…